03-10-2023 - 08:10

TẤM LÒNG ƯU THỜI MẪN THẾ TRONG THƠ LA SƠN PHU TỬ NGUYỄN THIẾP

Hướng tới Lễ kỷ niệm 300 năm ngày sinh La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723-2023). Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Phạm Quang Ái: "Tấm lòng ưu thời mẫn thế trong thơ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp"

                 TẤM LÒNG ƯU THỜI MẪN THẾ TRONG THƠ

 LA SƠN PHU TỬ NGUYỄN THIẾP

                                                                       

Nguyễn Thiếp sinh ngày 25 tháng 8 năm Quý Mão (1723) mất năm 1804. Quê quán ở làng Mật, xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn (nay là xã Song-Kim-Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ông có tên húy là Minh, tự là Quang Thiếp, hiệu Khải Xuyên, Lạp Phong cư sĩ, Bùi Phong cư sĩ, Hạnh Am tiên sinh, La Sơn tiên sinh, Lục niêu tiên sinh, La Sơn phu tử. Theo Hoàng Xuân Hãn trong sách La Sơn phu tử (NXB Minh Tân, 1952), thì tính cả tên húy, tên tự, tên hiệu (bao gồm cả tự hiệu và tặng hiệu), Nguyễn Thiếp có đến 17 danh xưng.

Sinh trường trong một gia đình có truyền thống Nho học, 21 tuổi thi lần đầu đỗ Hương giải (thời nhà Nguyễn gọi là Cử nhân) nối tiếng học giỏi, biết rộng hiểu sâu kinh điển Nho gia, sách vở cổ kim.                                                      

Theo gia phả, trước đời Lê Thánh Tông, họ Nguyễn của Nguyễn Thiếp vốn ở làng Cương Gián, thuộc huyện Nghi Xuân. Đến đời Lê Thánh Tông, họ Nguyễn có một người theo nghề võ. Vì có công trong chiến dịch đánh Chiêm Thành (1472), người ấy được phong tưóc. Sau đó, vua sai đi bắt voi trắng trong núi Trà Sơn. Trên đường đi, ông có dịp qua làng Mật, trú binh ở đó và ông đã chọn con gái họ Võ ở sở tại làm hầu thiếp. Bà này sinh được một con trai, ông cùng vợ con ở lại Mật thôn và lập nên chi họ Nguyễn ở đó. Sau khi mất, ông được tặng tước hiệu là Lưu quận công.

Từ đó, họ Nguyễn làng Mật ngày càng phát đạt. Cháu nội Lưu quận công, là Nguyễn Bật Lãng, đậu Hoàng giáp thời nhà Lê mới trung hưng. Từ đời Nguyễn Bật Lãng về sau, họ Nguyễn trở nên một họ khoa bảng và giàu có. Vào khoảng đầu thế kỷ XVIII, trong họ có nhiều người nổi danh. Chú La Sơn phu tử, là Nguyễn Hành, đậu tiến sĩ khoa Quý Sửu (1733). Nguyễn Hành là người đã đỡ đầu cho Nguyễn Thiếp lúc thiếu thời. Thân phụ Nguyễn Thiếp tuy không đậu đạt gì nhưng thân mẫu lại là con gái họ Nguyễn Huy ở xã Trường Lưu, là một cự tộc có truyền thống khoa bảng nổi tiếng trong vùng. Chịu ảnh hưởng nhiều ở bà mẹ và bên ngoại, các anh em ông đều học hành giỏi. Vì thế, trong thơ văn, phu tử thường nhắc đến mẹ.

Nói tóm lại, trong suốt ba trăm năm triều Lê, họ Nguyễn làng Mật là một trong những vọng tộc đất Hoan Châu. Sinh trưởng trong một gia tộc như thế, lại có tư chất thông minh, Nguyễn Thiếp có đủ những điều kiện để trở thành một người giỏi giang, hứa hẹn một tương lai hiển đạt khoa hoạn.

Tuổi trẻ đã đậu đạt, con đường công danh rộng mở, bổng dưng Nguyên Thiếp từ bỏ lối học cử nghiệp, chuyên đọc sách kinh điển Nho gia, vui với thú dạy học và ngao du sơn thuỷ.

Sở dĩ Nguyễn Thiếp có thái độ hành xử như vậy là vì ông chán ghét chế độ phong kiến đương thời. Khi Nguyễn Thiếp vào đời cũng là lúc chế độ phong kiến Việt Nam đã suy vi. Trên triều đình thì chúa Trịnh hoàn toàn lấn áp vua Lê, vua Lê chỉ là hư vị. Các quan đại thần chia bè kết phái hãm hại lẫn nhau, chính sự đổ nát. Tầng lớp thống trị đua nhau chạy theo danh lợi, ăn chơi hưởng lạc xa hoa, hoang phí. Trong nước thì liên tiếp mất mùa, sức dân bị vắt kiệt bởi sưu cao thuế nặng, lại thêm, việc binh, việc thổ mộc liên miên, sinh linh đồ thán; khắp nơi, khởi nghĩa nông dân bùng nổ.

Tuy không màng danh lợi, nhưng vì nhà nghèo lại còn mẹ già phải phụng dưỡng, nên lúc 30 tuổi, Nguyễn Thiếp bất đắc dĩ phải ra làm quan nhưng rồi lại từ quan về ở ẩn trên núi Thiên Nhẫn gần 20 năm, Chúa Trịnh nghe tiếng mấy lần mời ra nhưng ông không nhận lời, quyết chí cùng con cái "Nuôi trâu bò, trồng cây, cày ruộng, dệt vải làm lấy mà ăn”. Thế rồi, khi đă ngoài 60 tuổi, sau 3 lần khước từ chiếu cầu hiền của Nguyễn Huệ, ông lại chống gậy xuống núi hợp tác với nhà Tây Sơn. Cái danh hiệu La Sơn phu tử là xuất xứ từ chiếu cầu hiền của Bắc Bình vương Nguyễn Huệ. Tuy có duyên gặp được minh chủ nhưng ông lại không có phận làm một lương tể phò vua giúp nước đến cùng. Chẳng bao lâu sau, Quang Trung đột ngột tạ thế, nhà Tây Sơn từ đó sụp đổ, nhà Nguyễn lên thay. Ngưỡng mộ tiếng tăm của ông, Gia Long xuống chiếu triệu mời, nhưng lấy cớ tuổi già sức yếu, ông kiên quyết từ chối. Hai năm sau (1804), ông lặng lẽ qua đời ở nơi ẩn cư, hưởng thọ 81 tuổi.

Sống cuộc đời ẩn sĩ, vui với thiên nhiên và đạo thuật thánh hiền nhưng lòng luôn ưu thời mẫn thế, cũng như các nhà Nho chân chính đương thời, Nguyễn Thiếp đã ký thác nổi lòng của mình trong sáng tác thơ văn. Di cảo của ông để lại, còn hai tập Hạnh Am thi cảoLạp Phong thi tập với khoảng hơn 100 bài thơ. Trong bài Thi cảo biền ngôn (Lời mở đầu tập bản thảo thơ) ở đầu tập Hạnh Am thi cảo, ông trần tình: “Ta sinh ra tính chất ngu lậu, vốn không hay làm thơ, văn cũng không thích làm nhiều. Thường ngày nhân gặp việc gì cảm xúc hoặc cùng người tặng đáp, có chừng hơn trăm bài. Tự biết rằng thơ mình cạn, kém, cũ kỹ, không đáng truyền lại sau, làm xong bỏ qua và quên. Nay tạm chép các bài còn nhớ, xếp theo thứ tự trước sau để con cháu biết gốc tích, lý lịch ta. Ấy cũng là một cách giúp vào sự răn dạy mà thôi. Há gọi là thơ sao?...” Trong thơ ông, ngoài những bài thơ viết về đất nước và con người Hoan Châu với một tâm tình thiết tha yêu mến hoặc cảm khái, tự hào thì mảng thơ viết về thế thái nhân tình cũng chan chứa cảm xúc ưu mẫn. Trong bối cảnh đen tối của xã hội đương thời, ông đã hơn một lần thốt lên trong thơ ca: “Tứ dân bách nghệ trường bần cùng" [Bốn hạng dân (sĩ, nông, công, thương) với trăm nghề trong tay nhưng vẫn mãi đói khổ, cùng cực]. Nhiều bài thơ của tiên sinh đã phản ánh sâu sắc hiện tình đen tối, điêu linh của xã hội đương thời với một tấm lòng ưu ái sâu nặng trước số phận người dân lao động. Trong bài thất ngôn trường thiên Phù Thạch phùng lão ngư (Gặp ông lão đánh cá ở Phù Thạch), Nguyễn Thiếp kể lại cuộc gặp gỡ, trò chuyện của ông với một người đánh cá già ở bến Phù Thạch (một địa danh nổi tiếng bên bờ sông La, thuộc bến đò Triều Khẩu, nay là xã Vĩnh Đại, huyện Đức Thọ) mà ông tình cờ gặp. Ông lão đánh cá kể rằng, từ lúc còn trẻ, ông đã là một chàng trai giỏi nghề sông nước, đã từng "cưỡi sóng xỉa cá” trên một dải sông dài, không ai bì kịp; đến nay tuổi đã già, con cái đông và đã thành gia thất nhưng 'Thói thường yêu con hơn yêu cha" nên lão phải sống cô đơn, một mình lênh đênh trên dòng sông vắng lạnh. Qua lời thơ thuật kể một cách chân thực, cụ thể của tác giả, hình tượng người đánh cá hiện lên trong bài thơ thật sinh động. Đây là hình ảnh huy hoàng của ông lão thời trai trẻ:

Thiếu tráng lãng ba phi thích ngư,

Võng nhi cửu đội vô cân lực.

Nhất đái trường giang thâm thủy tam,

Lao Tuyền, Phù Thạch, Long Vương đàm,

Tiện nhân chỉ tác thiển lưu khán.                                                

Xuất một yên ba ngư nhất lam… 

[Lúc trai trẻ (tôi) cưỡi sóng xỉa cá,                                              

Những tay lưới các đội đều phải thua.

Một dải sông dài ba vực sâu,

Lao Tuyền, Phù Thạch, đầm Long Vương.

(Tôi) chỉ coi như một con ngòi nông cạn,                        

Với một giỏ cá, xông pha giữa khói sóng…]

Và nay là hình ảnh một ông già côi cút, tội nghiệp :

Như kim thất thập dư niên kỷ,                             

………………………………………………

Giang hồ thanh lãnh ngư hà thiểu,                      

Điền giã không thông giảo cối đa.                      

Trưởng thành hôn giá thất nam nữ,                    

Nhân tình ái tử hậu ái phụ.                                  

Cô chu thoa lạp điếu hàn giang,                         

Lao nhương đệ dịch vô đình trú.                         

(Đến nay tuổi đã ngoài bảy mươi,

……………………………………

Sông hồ lạnh tanh cá, tôm ít,                               

Ruộng đồng hoang vắng, lắm kẻ gian ngoan.

Con, bảy trai gái đã dựng vợ gả chồng,              

Thói đời yêu con hơn yêu cha,

Tơi nón với một con thuyền câu trên sông lạnh vắng

Lênh đênh đây đó không nơi ở nhất định…)

Thân phận ông lão thì như thế, còn dân tình cũng thê thảm chẳng kém gì:

Dĩ hỹ Văn Vương bất khả phùng,            

Tứ dân bách nghệ trường bần cùng.                   

[Ôi thôi, Văn Vương (ông vua tốt) không thể gặp,                                                                           

Bốn dân với trăm nghề chìm trong cảnh đói nghèo triền miên]

Bến Phù Thạch là nơi buôn bán sầm uất "Thuyền quan qua lại không ít" nhưng có ai là kẻ từ tâm đoái hoài đến tình cảnh ông lão. Lũ quan lại đó chỉ là những kẻ "vẻ mặt vênh vênh không phải là bề tôi tốt". Bài thơ kết thúc với hình ảnh ông lão đánh cá tàn tạ trong đơn côi:

Vi ngạn diên duyên trạo chu khứ,            

Tiểu thành lạc mộc quá tàn thu,                          

Giang khoát yên thâm bất tri xứ!                         

(Lặng lẽ chèo thuyền men bờ lau,                                  

Thành con, cây rụng lá tàn thu.                           

Khói dày sông rộng, biết là đâu!)

Phù Thạch phùng lão ngư là tiếng thơ tràn ngập xót xa, tê tái của phu tử trưóc thân phận người dân đau khố. Vẽ lên hình tượng ông lão đánh cá ở một bến sông đã từng một thời trù mật, tác giả như muốn vẽ nên tình cảnh bế tắc thê thảm của cả xã hội. Nói không ngoa, bài thơ này có thể sánh ngang với “Tam lại, Tam biệt" của Đỗ Phủ, “Sở kiến hành", “Thái Bình mại ca giả” của Nguyễn Du. Đó là những tiếng kêu ai oán cho chúng sinh đau khổ trong những xã hội suy tàn. Cũng với bút pháp ghi lại chân thực sự việc, không miêu tả hoặc trực tiếp phát biểu cảm nghĩ mà để cho sự việc tự nói lên, trong bài Phúc đáp Hiệp trấn Bùi Huy Bích, Nguyễn Thiếp viết:

Hoan Châu cửu tòng dịch,

Tài lực đãi vô di.                                                        

Huống phục nhị tam niên,                                      

Hùng hoàng thất sở

Cùng dân thập ngũ lục

Ngã hiểu dữ lưu di

Vị mong khoan tuất chiếu

Dĩ thị thôi thoát kỳ...

(Châu Hoan bấy lâu phải lo việc binh,                          

Sức người, sức của hầu như không còn gì.             

Huống chi liền trong hai ba năm nay,                         

Mùa mất, không biết nhờ vào đâu.                       

Dân nghèo mười phần, có đến năm sáu,            

Chết đói và phiêu bạt.                                         

Chưa được chiếu nhà vua rộng thương,

Đã có lệnh định kỳ thúc thuế.)                                        

Đây là bài thơ Nguyễn Thiếp viết để phúc đáp lại bài thơ của Bùi Huy Bích, Hiệp trấn Nghệ An, gửi tặng ông. Bài thơ của Bùi Tồn Am nhất mực ca ngợi tiết tháo nhà ẩn sĩ xứ La Sơn. Bài thơ của Nguyễn Khải Xuyên gồm 30 câu ngũ ngôn, nhưng phu tử chỉ dành 4 câu cuối khiêm tốn nói về mình, còn lại tất cả đều tập trung phản ánh tình cảnh dân địa phương. Qua bài thơ, chúng ta biết rõ, La Sơn phu tử tuy sống ẩn dật trên núi nhưng lòng vẫn luôn luôn dõi theo dân tình làng cảnh. Và không phải chỉ đối với người dân đồng châu, mà với tất cả những nơi ông từng đi qua, từng đến ở, đâu đâu ông cũng chứng kiến cảnh người dân sống nghèo khổ, đói rách. Trong bài Chu hành hữu cảm, Nguyễn Thiếp đã viết:

Dân gian đáo xứ thán tiền hoang

(Khắp chốn, dân gian than đói nghèo)

Dân khổ như thế nên cuộc sống của quan lại cấp thấp ở châu huyện cũng như "gặm gân gà"(Châu huyện sinh nhai đẳng kê lặc). Vì thế, tình cảnh nhà thơ có lúc rất bi đát:

Niên hoang huyền khánh thất,                             

Mễ quý sinh trần hủ,                                            

 Lục tuần bần bệnh ông.

                       Vũ trung vọng cố hương

 (Mùa mất nhà trống rỗng

Gạo đắt hũ mốc meo

Ông già sáu mươi, nghèo và ốm)

Sinh ra phải lúc thế đạo suy vi, theo lẽ “xuất xử, hành tàng” của kẻ sĩ, Nguyễn Thiếp từ chối con đưởng công danh nhưng lòng vẫn luôn mang nặng sự ưu tư thời thế. Trong thơ, ông thường than thở tình cảnh đất nước không còn vua thánh tôi hiền để dân được sống yên ổn : “Thánh vương cửu bất kiến” (Đã lầu không thấy vua thánh),  Dĩ hỹ, Văn Vương bất khả phùng (Than ôi, Văn Vương không thể gặp)

Thời đại La Sơn phu tử sống, đất nước đang trải qua những biến động dữ dội: chiến tranh, loạn lạc, mất mùa, bệnh tật, binh dịch, thuế khoá, ... làm cho đời sống nhân dân ngày càng khổ cực, điêu linh. Đại danh y Lê Hữu Trác, người sống cùng thời với Nguyễn Thiếp, đã phải than thở rằng, con người đương thời sống "chẳng khác gì một người tù". Cùng các nhà Nho vốn nặng lòng ưu quốc ái dân như Lê Hữu Trác, Phạm Nguyễn Du, Bùi Huy Bích, Ngô Thế Lân, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đã ghi lại được nhiểu bức tranh sinh động, sắc nét về đời sống cùng khổ của người dân. Nhiều bài thơ trong Nam hành ký đắc tập của Phạm Nguyên Du, Nghệ An thi tập cùa Bùi Huy Bích, Phong trúc tập của Ngô Thế Lân, Thảo Đường thi nguyên tập, Lập Trai tiên sinh di thi tục tập của Phạm Quý Thích và Hạnh Am thi cảo, Lạp Phong thi tập của Nguyễn Thiếp đã làm nên một bức tranh có giá trị tố cáo hiện thực sâu sắc, giá trị nhân đạo cao cả, góp phần tích cực vào trào lưu văn chương hiện thực - nhân đạo thế kỷ 18.

Nguyễn Thiếp là người rất coi trọng đạo nghĩa trong gia đình và ngoài xã hội. Thơ ông có hàng chục bài tặng đáp, xướng hoạ với bạn hữu với một tình cảm rất mực chân thành, chung thủy. Nhớ công ơn người họ Nguyễn ở Yên Lãng đã từng cưu mang nuôi dưỡng mình trong những ngày lưu lạc, lòng ông thắc thỏm ngày đêm vì món nợ ân tình to lớn này.

"Công ơn ông nuôi dưỡng rất lớn ,

Than ôi ! Đền đáp lại tôi thiếu ngàn vàng"

                                Phòng do nhân xã dưỡng ông

Đặc biệt đối với thân nhân, Nguyễn Thiếp có những câu thơ thật chân thành và cảm động :

Sở cầu hổ tử vị năng hiếu,                                   

Sở cầu hỗ để vị năng hữu.                                           

Thê yên vị tất lạc ngô bần,                                  

Tử yên vị tất tòng ngô hiếu.

                                  Sơn cư tác

[Làm con ta chưa tròn chữ hiếu,                         

Làm em ta chưa trọn chữ hữu (sự giúp đỡ)                 

Vợ chưa hẳn đã vui với cái nghèo của ta,           

Con chưa hẳn đã theo điều ta ưa thích]

Bằng những câu thơ xuất phát tự đáy lòng, ông thành thực, nghiêm khắc tự trách mình chưa trọn đạo ăn ở với cha mẹ, vợ con, anh em. Qua đó, chúng ta cũng thấy, Nguyễn Thiếp thật sự thấu hiểu lòng cha mẹ, vợ con và anh em. Đặc biệt, dưới thời phong kiến, mấy ai thấu hiểu lòng người vợ như ông. Và xưa nay trong thiên hạ đã mấy ai tự xét mình về đạo ăn ở trong gia đình một cách toàn diện, nghiêm khắc, chân tình và thấm thía như thế. Tấm lòng, đạo nghĩa sáng ngời của Nguyễn Thiếp quả là tấm gương soi cho chúng ta trong thời đại đồng tiền đang chi phối mạnh mẽ, đạo đức xã hội đang bị băng hoại như hiện nay!

Thật cảm động khi mỗi lần vợ sinh con trai (ông có đến 8 người con trai), Nguyễn Thiếp đều làm thơ bộc lộ nổi vui mừng của mẹ ông khi có thêm cháu trai và của đứa con nhỏ có thêm em.

Thiêm tôn lão mẫu hà nhan nhuận

Hữu đệ hài nhi hý ý dương

                               Sinh nam tiến

(Có thêm cháu, mẹ già thêm trẻ lại,                    

Có thêm em, đứa con nhỏ mừng vui)

Thời gian ngổi dạy học ở Bố Chánh (Quảng Bình), ông không nguôi nhớ nhà, nhớ cha mẹ, vợ con, anh em.

Thiên lý Trà sơn vân hạ xá,                                             

Tam thu Ô Hải vũ trung đăng.                            

[Nhà ở dưới mây núi Trà Sơn xa nghìn dặm/ Ngọn đèn trong mưa, cách biệt tại Ồ Hải (Quảng Bình) đã ba thu]

Thơ tự tình bộc lộ nội tâm riêng tư của Nguyễn Thiếp kín đáo mà sâu sắc, thấm thía.

Có thể nói, nhà ẩn sĩ Nguyễn Thiếp, bậc phu tử xứ La Sơn, tuy quyết tâm nói không với danh lợi ở đời nhưng tấm lòng ông vẫn tha thiết với nhân tình thế sự. Bởi thế, ông thấu hiểu, cảm thông sâu sắc với nổi thống khổ của người dân, không chút ngần ngại ghi lại một cách chân thực nhất cảnh ngộ éo le và tâm tình bi thương của họ. Ông đau đời và muốn cứu đời nhưng thế cuộc nhiễu nhương đã gạt ông ra ngoài lề xã hội. Ông đành cam chịu nghèo khổ, sống cuộc đời của một ẩn sĩ thanh cao và để lại cho hậu thế những vần thơ chan chứa tình người, sâu sắc lẽ đời.

               Phạm Quang Ái

                                                                                               

. . . . .
Loading the player...