03-10-2021 - 07:25

Tản văn ĐẤT QUÊ của NGUYỄN THỊ THÚY VÂN

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu tản văn ĐẤT QUÊ của Nguyễn Thị Thúy Vân

NGUYỄN THỊ THÚY VÂN

 

ĐẤT QUÊ

                                        Tản văn

Từ lúc sinh ra cho đến khi theo gia đình lên thị trấn định cư vì công tác của cha tôi, tôi chỉ có bốn năm sống trên mảnh đất quê mình. Kí ức của một đứa trẻ ba, bốn tuổi không lưu giữ được nhiều những hình ảnh quê hương nhưng tôi yêu miền quê lam lũ ấy với những triền cát trắng, những đồi phi lao, những con đường mùa mưa ướt nhoẹt, yêu những con người quê hương thật thà, yêu cả giọng nói đậm chất thổ ngữ rất đặc sắc của quê mình.

Trong kí ức tôi ngày ấy in hình rất rõ cảnh chị em tôi chơi đồ hàng dưới gốc dừa già trước ngõ. Đồ chơi của chúng tôi chỉ là những chiếc lá, cái que, những vỏ ốc giả làm chó, lợn, những vỏ vẹm làm bát, làm nồi. Ấy vậy mà say sưa, mê mải hết ngày này sang ngày khác. Hình ảnh tôi nhớ rõ nhất là đứa bạn hàng xóm, chẳng biết nó tên gì, chỉ nhớ chị em tôi vẫn quen gọi là “con chắt Thi”. Hồi ấy ở quê tôi, những người đàn ông đã có vợ đều được gọi kèm thêm một từ “chắt”. Cha nó tên Thi nên nó được gọi là “con chắt Thi”. Ở nông thôn nhà nào cũng nghèo khó mà lại đông con. Nhà tôi có năm chị em thì nhà nó có bảy. Mẹ nó qua đời sau khi sinh đứa út. Cha nó ở vậy nuôi con, khốn khổ trong những năm đói kém. Nó suốt ngày lê la trong đất. Ấy vậy mà nó vẫn cứ tròn trùng trục. Khuôn mặt cũng tròn, đôi mắt càng tròn, đen láy.

Trong mỗi lần chơi đồ hàng như thế chúng tôi lại giả làm nhà, nấu cơm ăn. Bữa cơm dọn ra, những vỏ vẹm xúc đầy đất có rắc vài bông ngũ sắc giả làm thức ăn. Rồi cả bọn giả ăn, dứa nào đứa nấy cứ chèm chẹp miệng, tỏ vẻ rất ngon lành. Nhưng mà con chắt Thi thì không giả, nó ăn thật. Nó xúc cả vẹm đất bỏ mồm, nhai xàm xạp. Lần nào chơi trò nấu ăn xong, nó cũng làm y như thế. Khiếp! Chúng tôi tròn mắt nhìn nó, ngỡ ngàng, rồi rùng mình. Còn nó, nó nhe răng cười… Hàm răng sún dính những vệt đất nâu đã ướt nhão…

Nhìn lại, kí ức về đất quê trong những năm tháng ấu thơ của tôi luôn là hình ảnh cô bạn chuyên ăn đất ấy.

*

Thực sự tôi chẳng nhớ nổi điều gì, chẳng nhớ bất cứ hình ảnh nào về cái ngày rời xa quê. Nhưng chị gái tôi thì thường hay nhắc nhớ về một nỗi buồn chạy dài theo chuyến xe đi, khi ngoái đầu nhìn lại, ngôi nhà xưa dần khuất, dãy hàng rào bằng cây dã quỳ nở hoa vàng rực cũng khuất và ngọn dừa già cùng với hàng cau cao tít đầu ngõ chạy lùi về mãi lại phía sau. Cha trầm ngâm, không nói một câu. Mẹ một tay ôm cậu út mới sinh ba tháng, một tay lặng lẽ cầm vạt áo lau nước mắt.

Đất quê (ảnh Lê Thắng)

Năm năm… Mười năm… Hai mươi năm… Chị em tôi vẫn thường xuyên được về quê những dịp giỗ chạp, với họ hàng. Nhưng lạ một nỗi là chưa một lần về thăm lại mảnh vườn xưa, ngôi nhà xưa và chưa một lần gặp lại người bạn ăn đất của ngày xưa. Đất quê trong kí ức tôi suốt những năm tháng ấy mở rộng thêm ra với con đường gồ ghề đá sỏi nối liền nhà và quê, với cái Bãi Dài, Bãi Rộng bạt ngàn phi lao mà mỗi khi cha còng lưng đạp chiếc xe vấn lốp qua đó, tôi vẫn sốt ruột sao mà đi lâu đến thế. Để đến lúc đặt chân lên đất quê, vạt áo trước ngực và sau lưng cha đẫm mồ hôi còn mấy đứa con thì hai chân tê cứng, đứng không vững và cảm giác như không phải đứng trên đôi chân của mình. Quê tôi vẫn thế, vẫn con đường mùa mưa ướt nhoẹt. Mùa gặt thì con đường phủ đầy rơm rạ, dưới nắng, rơm óng vàng như tơ. Vẫn những lũy tre với những thân tre vươn thẳng cựa vào nhau càn cạt. Vẫn bạt ngàn bãi sắn, nương khoai… Con người quê hương vẫn nồng hậu, thật thà. Mỗi lần về, các mự, các dì lại đùm đùm gói gói, nào khoai khô, gạo mới, nào mớ tép vừa cất rớ ngoài đồng… Thấy ấm lòng, thấy cái gì cũng thơm nồng mùi đất quê hương.

Tôi nhớ và nhận ra rằng cứ thêm mỗi một lần về quê thì lại thấy quê thưa vắng bóng người hơn. Những gương mặt già nua dần khuất bóng. Và dần vắng cả những gương mặt trẻ. Người dân quê tôi theo phong trào đi làm ăn kinh tế mới mà dần dà rời bỏ đất quê. Trong những năm tháng ấy, còn hằn in trong kí ức tôi biết bao lần theo cha mẹ đi tiễn biệt họ hàng. Xe chạy, người ở lại thì vừa chạy theo xe vừa dặn dò, người ra đi thì vừa khóc vừa vẫy tay chào tạm biệt. Người lớn thì vừa ngậm ngùi vừa gân guốc quyết tâm: vào Nam hay ra Bắc … chẳng biết là đi những đâu nhưng không đi, ở nhà thì chỉ có cạp đất mà ăn thôi.

Cạp đất mà ăn… Những tiếng ấy dội vào óc tôi làm bừng dậy cả một miền kí ức. Dưới gốc dừa già, những vỏ vẹm đầy đất cát có rắc vài bông hoa ngũ sắc, khuôn mặt tròn tròn của “con chắt Thi” với cái miệng nhai đất xàm xạp… Tự dựng lại thấy rùng mình, chân răng tê buốt. Giờ đây “con chắt Thi” đang ở đâu? Nó là bông bồ công anh theo gió bay đến phương nào, liệu có còn nhớ đến mùi vị của đất quê?

 Những ngày này trời nắng to, đất nóng ran, có lúc nghe như đất đang phập phồng thở. Cũng những ngày này cả nước hướng về miền Nam đang gồng mình chống dịch Covid-19. Rồi hướng về những dòng người tỏa ra từ các trung tâm công nghiệp, các vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước,… Bao nhiêu thân phận xa xứ, sau những tháng ngày mất việc, phấp phỏng vì đại dịch khôn lường, đã như hóa thành trăm nghìn con suối, quẫy thoát bí bách của cuộc mưu sinh để thành những dòng người hồi hương. Những chuyến xe, những đoàn tàu chạy ngày đêm không nghỉ. Rồi từng đoàn xe máy nối đuôi nhau chạy từ Nam ra Bắc, từ miền Đông về miền Tây, từ miền Đông lên Tây Nguyên, ùn ùn, đông kịt. Cảnh tượng thực chưa từng thấy bao giờ. Những chiếc xe máy chất đầy đồ đạc cả trước lẫn sau, chồng chở vợ, mẹ bồng con. Có những gia đình chất đồ lên xe đạp, bươn bả hồi hương trên con đường thiên lý. Có những đứa trẻ vừa sinh được mười ngày, có những phận người không có xe thì đành cuốc bộ. Người ta dắt díu nhau lũ lượt về lại quê nhà. Ngày đi, đêm ngả lưng la liệt bên nền đường nhựa hầm hập hơi nóng của mùa hè. Giấc ngủ chập chờn trong nỗi lo tránh dịch, chập chờn trong cơn mê về lại quê hương, còn phải cách li, còn những tháng ngày vất vả. Có lẽ đất quê dẫu nghèo vẫn là nơi bình an nhất, nơi bao dung luôn mở lòng chờ đón những đứa con xa. Về với đất quê, về để được nghe phi lao hát, về để được ngồi chuầy trong cát, hai gót chân dụi tìm lớp đất mát dưới sâu…

Tròn ba mươi năm rời xa quê hương, cha mẹ tôi lại trở về quê sinh sống, để lại nhà và vườn đất trên thị trấn cho anh trai và em trai tôi. Ngày về, cha vẫn trầm ngâm còn mẹ lại lặng lẽ lau nước mắt. Tóc đã hoa râm, ai mà chẳng muốn về quê. Cha bảo: “Lá rụng về cội, đã đến lúc cha mẹ về lại quê hương”. Nhưng cha mẹ vẫn buồn, ngày đi dẫu biết có nhiều gian lao trước mắt nhưng trong chiếc xe tải chất đầy đồ đạc ấy có tiếng nói cười không ngớt của năm đứa con. Còn ngày về, chỉ còn hai cha mẹ mà thôi. Giọng cha trầm trầm: “Các con lớn rồi, như những bông bồ công anh bay đi khắp nơi trong gió”. Chợt thấy thương cha mẹ vô cùng. Chợt nghĩ, có trăm ngả đường đi đến muôn phương nhưng cũng chỉ có một con đường dẫn về quê mẹ. Có nhiều nơi để đi, để sống, có nhiều mảnh đất hứa để làm ăn nhưng khi khổ đau, hoạn nạn cũng chỉ có đất quê là nơi ta khao khát tìm về. Và tôi tự hỏi: liệu trong dòng người hồi hương ấy có ai là “con chắt Thi”, người bạn ăn đất vẫn in hằn trong kí ức tôi năm xưa, liệu đang trở về?

                                               Hà Tĩnh, tháng 7 năm 2021

                                                                                                               N.T.T.V

 

. . . . .
Loading the player...