19-07-2020 - 05:56

TẠP CHÍ HỒNG LĨNH, MỘT CHẶNG ĐƯỜNG NHÌN LẠI

Với 211 số tạp chí đã xuất bản trong 28 năm qua, Tạp chí Hồng Lĩnh đã đăng tải, giới thiệu một số lượng rất lớn tác phẩm thơ văn, LLPB, nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc, âm nhạc của hội viên, cộng tác viên đến với công chúng bạn đọc... Trong chặng đường phát triển của mình, Tạp chí Hồng Lĩnh đã góp lớn phần vào việc xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần và phản ánh được hiện thực dựng, phát triển của quê hương. Tap chí Hồng Lĩnh trân trọng giới thiệu bài viết "Tạp chí Hồng Lĩnh, một chặng đường nhìn lại"

             TẠP CHÍ HỒNG LĨNH, MỘT CHẶNG ĐƯỜNG NHÌN LẠI

 

  ... Tiền thân của Tạp chí Hồng Lĩnh là Tạp chí Sông La. Sau khi Hội sáng tác Văn nghệ Hà Tĩnh được thành lập năm 1969 (đến năm 1971, đổi tên thành Hội Văn nghệ Hà Tĩnh), Tạp chí Sông La ra đời. Tạp chí Sông La do Ty văn hóa Hà Tĩnh và Hội văn nghệ xuất bản số đầu tiên năm 1970 và tạm dừng xuất năm 1973 với tròn 10 tập (lúc đó, các số Sông La được đề là tập), từ tập 1 - tháng 1/1970, đến tập 10 - tháng  2/1973. Tôi nhớ, khoảng năm 2004, tôi đã may mắn được nhà thơ Xuân Hoài gọi tới và cho lại khá nhiều sách báo, tạp chí lưu giữ trong tủ sách của ông, khi ông có ý thu dọn lại sách vở trước khi cùng gia đình chuyển ra Vinh. Nhắc đến kỷ niệm  này, tôi xin được nói thêm một khía cạnh đáng kính ở nhà thơ Xuân Hoài và những người thế hệ trước như bác Thái Kim Đỉnh, bác Võ Hồng Huy, tôi đã thấy tủ sách báo của các bác, đã thấy cách ứng xử trân trọng như thế nào với từng cuốn sách, tờ tạp chí mà các bác lưu giữ..., và đây là điều mà thế hệ sau như chúng tôi cần phải suy ngẫm và học tập. Lúc bấy giờ nhà nhà thơ Xuân Hoài đã bị bệnh, bà Thước giúp tôi thu dọn chỗ sách báo. Trong số sách vở mà tôi được “sở hữu”, có gần trọn bộ tạp chí Thế giới mới gồm hàng trăm cuốn, tạp chí Văn học nước ngoài và tạp chí Nhà văn, tất cả đều được xếp theo thứ tự các số, gần như đầy đủ. Và cuối cùng thì ông đưa bộ 10 tập Sông La được gói riêng rất cẩn thận cho tôi và dặn dò tôi lưu giữ cẩn thận đừng để mất mát, hư hỏng vì đây có lẽ là trọn bộ hiếm hoi của tờ Sông La. Ông nói, không mấy người còn lưu giữ được Sông La đầy đủ, may ra có bác Thái Kim Đỉnh còn có đủ trọn bộ. Đúng là rất trân quý, những cuốn tạp chí nhỏ nhắn in bằng giấy Việt Trì nâu sẫm, rất cũ kỹ, giấy đã bắt đầu mục, các bức vẽ bìa gợi nhớ một thời xưa cũ… Sông La là chứng nhân của những năm tháng gian khổ và cũng vô cùng đẹp đẽ. Đó là bộ tạp chí in dấu “một thưở nhọc nhằn” nhưng cũng thật phong phú, sôi động và đầy hào hứng của những người sáng tác và phụ trách Sông La.

Một đội ngũ sáng tác văn thơ tài năng và đầy nhiệt huyết xuất hiện thời bấy giờ trên Sông La. Có thể kể ra: Thế Kỷ, Trần Huy Quang, Thanh Đức, Vũ Duy Thông, Nguyễn Xuân Linh, Thanh Minh, Nghiêm Đa Văn, Cao Tiến Lê, Duy Thoại, Phan Cao Toại, Nguyễn Gia Mừng, Nguyễn Khắc Thuần, Lê Xuân Dzụ, Duy Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Lê Nghi, Võ Minh Châu, Phạm Đức Ban, Lê Duy Phương, Văn Tuệ, Nguyễn Quốc Anh, Hà Quảng, Xuân Hoài, Xuân Hoàng, Phan Duy Đồng, Nguyễn Trọng Bính, Thái Kim Đỉnh… Như chúng ta biết, nhiều người trong số họ là những tác giả quen thuộc, hội viên Hội VHNT Hà Tĩnh những ngày đầu, cho đến bây giờ vẫn tiếp tục gắn bó với công việc sáng tác và vẫn đang là thế hệ chủ lực, nòng cốt của VHNT Hà Tĩnh. Trưởng ban biên tập Sông La lúc đó là Vũ Hoàng, tức là nhà nghiên cứu VHDG Thái Kim Đỉnh. Tạp chí Sông La in khổ     nhỏ 20x15cm, vẽ bìa, vẽ minh họa và trình bày do các họa sĩ Phạm Lê Khang,   Trần Lê Khả, Lê Anh Tuấn, Ngô Đức Ký và Hoàng Nguyên Ái đảm nhiệm. Sông La chỉ xuất bản có vỏn vẹn 3 năm với 10 tập nhưng đã phản ánh được sống động bối cảnh hiện thực, không khí đời sống của nhân dân Hà Tĩnh thời điểm những năm chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn cuối vô cùng quyết liệt. Ngoài ra, xuất hiện trên các tập Sông La, còn có sáng tác thơ ca của lực lượng sáng tác đông đảo khác gồm cán bộ, bộ đội, thanh niên, thiếu niên học sinh, các cụ phụ lão… Những sáng tác thơ văn nóng hổi hơi thở, nhịp đập khẩn trương của đời sống sản xuất, chiến đấu của nhân dân thời điểm bấy giờ. Tháng 3/1973, Tạp chí Sông La ngừng xuất bản với thông báo cùng bạn đọc của BBT: “"Sông La" tập X biên soạn cuối năm 1972, đáng lẽ ra mắt bạn đọc từ đầu năm 1973. Nhưng hiệp định Pari được ký kết, mở ra một trang mới trong lịch sử đất nước, quê hương ta. Chúng tôi phải tạm ngừng in để thay đổi, bổ sung một số bài, mong đáp ứng phần nào tình hình và nhiệm vụ mới... Sau tập này, Ty văn hóa và Hội văn nghệ đã có dự kiến cải tiến, tăng cường việc xuất bản cả về nội dung, hình thức để phục vụ yêu cầu mới của phong trào. Tập thơ văn Sông La sẽ không xuất bản nữa". Tháng 12 năm 1975, Hà Tĩnh và Nghệ An sáp nhập thành Nghệ Tĩnh. Tạp chí Sông LaVăn nghệ Nghệ An hợp nhất thành Văn nghệ Nghệ Tĩnh. 15 năm, những người đặt nền móng của văn nghệ Hà Tĩnh như Thái Kim Đỉnh, Xuân Hoài, Nguyễn Quốc Anh, Đức Ban, Tùng Bách và các nhà văn nhà thơ của văn nghệ Nghệ An đã cùng  suy nghĩ, sáng tạo”, “nghiên cứu văn học nghệ thuật trước những bước đi hào hùng của đất nước và quê hương Nghệ Tĩnh trong giai đoạn cách mạng mới”

          Năm 1991, sau tách tỉnh, tờ tạp chí văn nghệ của Hà Tĩnh mới lại được xuất bản là Tạp chí Hồng Lĩnh. Giữa muôn vàn khó khăn chồng chất đủ mọi bề, những người đứng mũi chịu sào, chịu trách nhiệm với VHNT Hà Tĩnh lại phải tiếp tục trăn trở, quyết tâm cao để có một tờ báo văn học, nghệ thuật “là nơi gặp gỡ đầy tâm huyết với trách nhiệm công dân của văn nghệ sỹ vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. Hồng Lĩnh cũng là đất thể nghiệm những sáng tạo văn học nghệ thuật vì Con Người của đội ngũ văn nghệ sỹ (…). Hồng Lĩnh mong làm được nhịp cầu nối với các vùng văn hóa trong cả nước…” (Cùng bạn đọc, Hồng Lĩnh số 1/1992). Tạp chí Hồng Lĩnh bắt đầu số đầu tiên năm 1992. Hội đồng biên tập gồm những nhà văn nhà thơ, nhà LLPB, Nhạc sỹ, Họa sỹ “gạo cội” được thành lập: Phạm Ngọc Cảnh, Sỹ Châu, Thái Kim Đỉnh, Lê Bá Hán, Phan Lương Hảo, Hoàng Ngọc Hiến, Vũ Ngọc Khánh, Phong Lê, Vi Phong, Hà Quảng, Chính Tâm, Xuân Thiều, Hữu Nhuận. Tổng biên tập đầu tiên  nhà thơ Xuân Hoài, phụ trách Tạp chí Hồng Lĩnh hơn 2 năm, đến số 8 - tháng 10 năm 1993, chuyển qua làm Giám đốc Sở VVTT Hà Tĩnh. Nhà văn Đức Ban làm Tổng biên tập, cho đến số tháng 4 năm 2005, thì chuyển sang làm Giám đốc Sở VHTT Hà Tĩnh. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú làm Tổng biên tập từ đó cho đến lúc anh nghỉ hưu, tháng 4 năm 2018. Từ năm 1992 - 2012, Tạp chí Hồng Lĩnh xuất bản 2 tháng/1 số. Đến tháng 6 - 2012, tăng kỳ lên mỗi tháng/1 số. Măng sét bìa tạp chí, ban đầu do họa sĩ Từ Thành thiết kế, chữ Hồng Lĩnh thấp, nét đậm. Măng sét này sử dụng trong 45 số đầu tiên (1992-2000). Sau đó, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cải biến măng sét Hồng Lĩnh thành nét chữ mảnh hơn, các chữ “h” và chữ “l” kéo cao lên tràn hết chiều dài khổ bìa. Sự thay đổi này vừa tạo cho chữ Hồng Lĩnh dáng vẻ thanh thoát, nhẹ nhõm hơn, vừa mang tính tạo hình trong việc biểu đạt hình tượng dãy núi mà Tạp chí mang tên. Đây là măng sét bìa quen thuộc của Tạp chí Hồng Lĩnh, từ số 1 - tháng 1/2001 cho đến thời điểm này là 166 số.

Đ/c Đinh Xuân Việt - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đến thăm quan gian trưng bày Tạp chí Hồng Lĩnh tại Hội báo xuân Canh Dân 2010

 Tạp chí Hồng Lĩnh đã từng rất được bạn đọc yêu mến và là tờ tạp chí văn nghệ địa phương có vị thế cao trong sự đánh giá của bạn đọc cũng như giới sáng tác. Xem lại những cuốn tạp chí cũ, đọc lại những tác phẩm đã in, thấy ra những niềm vui và nỗi buồn, những gian khó đã qua, những gì còn lại và tiếp nối đều là giá trị đẹp đẽ và đáng trân trọng. Những người viết, những người có trách nhiệm với Hồng Lĩnh đã đi qua một chặng đường dài, nhất là giai đoạn đầu những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều nhọc nhằn, khó khăn, thiếu thốn, nhưng rõ ràng là đầy trăn trở, say mê, tâm huyết và trách nhiệm. Một thời sống và viết của các thế hệ tác giả góp mặt trên Tạp chí Hồng Lĩnh và bạn đọc của Hồng Lĩnh chắc chắn có nhiều kỷ niệm, nhiều vui buồn, xúc động. Đến đây, xin được nói thêm rằng, người cầm bút sáng tác, người làm các tạp chí văn học nghệ thuật nếu không có trách nhiệm, không có sự tâm huyết và nặng lòng với nhân tình thế thái và cuộc sống thì có lẽ sẽ rất nản lòng mà dừng lại và bỏ cuộc, bởi muôn vàn khó khăn, mỗi thời, mỗi giai đoạn là một kiểu khăn và thách thức khác nhau. Nhưng, các thế hệ người viết đã cùng nhau đi qua khó khăn đó, như một lẽ tự nhiên và tất yếu. Cho nên, hiện tại, cho dù có sự eo hẹp về kinh phí, hay cơn bão trị trường và công nghệ thông tin có đang “tấn công” vào văn hóa, có đang làm xô ngã, rơi rớt đi nhiều giá trị cũ, văn chương nghệ thuật không còn được quan tâm ưa chuộng, người viết không mặn mà gì với việc viết nữa, người đọc không còn thiếu cái “nhanh gọn nhẹ” để đọc nữa, việc thu hút cộng tác viên và bạn đọc không còn dễ dàng như trước, và vì vậy, báo in, tạp chí văn nghệ khó mở rộng phát hành, báo giấy cơ hồ khó lòng tại nữa v.v… thì chúng ta cũng nên lạc quan tin rằng, đến một mức nào đó sự suy giảm dừng lại, mọi thứ sẽ phải bình tĩnh lại theo quy luật của nó. Trong những cơn lũ cuồn cuộn chảy, luôn có những mạch ngầm “tĩnh tại”, lưu giữ phù sa. Vấn đề còn lại là chúng ta có phát huy khả năng sáng tạo văn chương nghệ thuật và muốn giữ lòng tâm huyết của mình với nó hay không.

Ngoài các hội viên trong tỉnh, Hồng Lĩnh đã thu hút, quy tụ được đông đảo của những nhà văn, nhà thơ, học giả có tên tuổi, uy tín trong cả nước như: Lê Đình Kỵ, Hoàng Ngọc Hiến, Phan Ngọc, Hữu Thỉnh, Lê Xuân Lít, Nguyễn Khắc Phê, Dương Thuấn, Mai Hồng Niên, Vũ Quần Phương, Mai Văn Phấn, Vương Trọng, Nguyễn Khắc Thạch, Xuân Tửu, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Quang Thiều, Trần Ninh Hồ, Nguyễn Thụy Kha, Phan Cung Việt, Phạm Ngọc Cảnh, Mai Hồng Niên… Với 211 số tạp chí đã xuất bản trong 28 năm qua, Tạp chí Hồng Lĩnh đã đăng tải, giới thiệu một số lượng rất lớn tác phẩm thơ văn, LLPB, nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc, âm nhạc của hội viên, cộng tác viên đến với công chúng bạn đọc. Những giá trị tinh thần, những nguồn tư liệu văn hóa, lịch sử quý giá, những vẻ đẹp của con người và vùng đất địa phương, những mảng màu khác nhau của số phận con người, đời sống nhân dân, những mảng hiện thực lớn lao, sôi động với bao nhiêu đổi thay to lớn trong công cuộc dựng xây, phát triển trên mảnh đất này, và cả những nhiệm vụ chính trị lớn lao của tỉnh nhà… đều được phản ánh sinh động bằng những tác phẩm đầy tâm huyết và trách nhiệm của người cầm bút. Tạp chí Hồng Lĩnh sinh thành và phát triển nơi mảnh đất vốn dĩ là đất văn chương, sản sinh ra nhiều tài năng văn nghệ, mảnh đất của bề dày truyền thống văn hóa lịch sử và cũng là mảnh đất của những gian khổ, phấn đấu kiên cường của con người để xây dựng và phát triển. Nói như thế để thấy rằng, Tạp chí Hồng Lĩnh cần có những tác phẩm VHNT chuyển tải, phản ánh đúng tinh thần của mảnh đất và con người Hà Tĩnh. Điều này không phải là chuyện dễ. Càng không dễ dàng, khi làm sao để tờ tạp chí vừa có được nội dung phong phú, có chất lượng nghệ thuật lại phải có được bản sắc riêng, là một Hồng Lĩnh của Hà Tĩnh, mang hơi thở đời sống, mang nỗi niềm suy nghĩ, ý chí của con người nơi đây, thấm đẫm văn hóa, phong thổ của mảnh đất này, chứ không phải là một tờ tạp chí hòa lẫn, áp vào vùng miền nào cũng được. Trước đây là Sông La, rồi Hồng Lĩnh, cũng nói thêm rằng, tên núi tên sông của một vùng đất thường được dùng để đặt tên cho hầu hết các tạp chí văn nghệ các địa phương  như Sông Lam, Nhật Lệ, Cửa Việt, Non Nước, Langbiang… điều này hàm nghĩa rằng, tờ tạp chí văn nghệ phải mang được đặc trưng, hồn cốt của địa phương mình. Tạp chí Hồng Lĩnh, về cơ bản, đậm nhạt khác nhau tùy vào từng giai đoạn, đã đảm bảo được điều này và ở mức độ khác nhau, tạo ra được tiếng nói riêng của địa phương, phản ánh được văn hóa, đời sống của quê hương, đồng hành cùng với quá trình xây dựng, phát triển của tỉnh nhà. Nhà văn Đức Ban, trong suốt những năm làm Tổng biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh luôn quan tâm đến “yếu lĩnh” của Tạp chí Hồng Lĩnh là mang được bản sắc riêng của mảnh đất Hà Tĩnh, phản ánh được hơi thở đời sống của con người nơi đây, nghiên cứu, giới thiệu được vốn văn hóa truyền thống tiềm tàng của mảnh đất này, và thể hiện được tiếng nói của anh em văn nghệ sỹ tỉnh nhà. Tạp chí Hồng Lĩnh trong thời gian nhà văn Đức Ban làm Tổng biên tập đã thể hiện rất rõ vấn đề cốt lõi đó. Hồng Lĩnh một thời đã quy tụ được một đội ngũ tác giả/hội viên tên tuổi, đăng tải được khá nhiều truyện ngắn, thơ, bài lý luận sáng tác, nghiên cứu văn hóa sâu sắc có chất lượng, đã phát hiện khuyến khích được nhiều cây bút mới, cây bút trẻ có năng lực. Ngoài việc tô đậm được bản sắc của Hồng Lĩnh bằng mảng bài viết về văn hóa của các nhà nghiên cứu VHDG Thái Kim Đỉnh, Võ Hồng Huy, Võ Giáp, Hồ Hữu Phước…, Hồng Lĩnh một thời đã đưa được không khí hiện thực đời sống vào trang viết nhờ vào mảng bút ký khá dày dặn, và đặc biệt là những chuyên mục có tính chất “nóng” hơn như “Chuyện dài viết ngắn”, chuyên mục gặp gỡ các nhân vật của  tháng như “Những cuộc gặp gỡ tháng 4”, “Những cuộc gặp gỡ tháng 10”… Những chuyên mục đó làm cho tờ tạp chí giàu sinh khí hơn, gần với đời sống, gần với bạn đọc hơn… Nhờ vậy, Hồng Lĩnh được đánh giá là một tờ văn nghệ địa phương có chất lượng vào tốp đầu và được bạn đọc đón nhận, đánh giá cao. Thời gian qua, Tạp chí Hồng Lĩnh vẫn luôn cố gắng giữ được chất lượng, màu sắc riêng và dấu ấn của mình trong lòng bạn đọc. Tuy nhiên, phải nhìn thẳng vào thực tế rằng những năm gần đây, tính “bản sắc” của tạp chí đang bị phai nhạt dần, có sự mờ nhạt nào đó trong phản ánh hiện thực đời sống, trong việc đi vào chiều sâu đời sống văn hóa, truyền thống với những trầm tích còn chưa bao giờ khai thác hết của vùng đất này. Điều này liên quan đến đội ngũ người viết, đến năng lực và bản lĩnh của Ban biên tập và những khó khăn chung như đã chỉ ra. Đây thực sự là một thách thức đối với những người làm tạp chí văn nghệ nói chung, Tạp chí Hồng Lĩnh nói riêng, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

 Đánh giá một cách công bằng, trong chặng đường đã qua và, Tạp chí Hồng Lĩnh giữ vững được mức độ ổn định trên mọi phương diện, nội dung, chất lượng bài vở, tác phẩm, đảm bảo đúng tôn chỉ mục đích, ít có những sai sót lớn, trình bày, in ấn đẹp… Tuy nhiên Tạp chí chưa có được những bước tiến, bước đột phá, khởi sắc đáng kể, nhất là trong 5 năm trở lại đây. Nhìn chung tác phẩm đăng tải trên tạp chí Hồng Lĩnh chưa có được những tác phẩm đạt chất lượng cao về tư tưởng và nghệ thuật, gây được dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc. Tạp chí đang thiếu những bài viết, những tác phẩm phản ánh được không khí của đời sống đang diễn ra ở tỉnh nhà. Mảng bút ký, ghi chép, phóng sự, đối thoại… vốn là những thể loại văn học “xung kích” lại thiếu vắng, xuất hiện khá thưa thớt, và đây là nguyên nhân chính làm cho tạp chí Tạp chí Hồng Lĩnh thiếu đi “sinh khí”, thiếu một tiếng nói trực diện của đời sống xã hội. Tác phẩm thơ in trên Tạp chí Hồng Lĩnh chưa có sự mới mẻ về nội dung, bút pháp.  

Trong chặng đường phát triển của mình, Tạp chí Hồng Lĩnh luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh. Sắp tới, khi tích hợp thêm nội dung văn hóa theo Kế hoạch của UBND tỉnh, trách nhiệm của Ban biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh sẽ lại nặng nề hơn. Sẽ có những sự bổ sung trong nội dung, chuyên trang chuyên mục nhưng đây vẫn là diễn đàn để hội viên, cộng tác viên đóng góp những thành quả mới trong nghiên cứu, sáng tác, tạo điều kiện để các văn nghệ sỹ giao lưu, quảng bá tác phẩm, từ đó góp phần vào việc xây dựng đời sống văn hóa, văn học nghệ thuật của cả nước.

    Nguyễn Thị Nguyệt

 

. . . . .
Loading the player...