14-02-2021 - 16:24

Tìm hiểu văn hóa CHUYỆN TẾT XƯA của Tùng Lĩnh

Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết CHUYỆN TẾT XƯA của tác giả Tùng Lĩnh

TÙNG LĨNH

CHUYỆN TẾT XƯA

       Trong các lễ tục truyền thống của dân tộc ta từ xưa đến nay, có lẽ Tết Nguyên đán là nghi lễ được quan tâm, chú trọng nhiều nhất, bởi đây là thời khắc kết thúc năm cũ, mở đầu cho một năm mới, là sự khởi đầu cho một chu kỳ Xuân Hạ Thu Đông với nhiều sự kiện trong năm của mộtđời người, một tộc người.

Tìm trong cổ sử, văn bản được coi là sớm nhất hiện nay viết về phong tục ngày tết của người Việt đó chính là cuốn An Nam chí lược của Lê Tắc (thế kỷ XIII-XIV). Trong tác phẩm này, Lê Tắc đã viết như sau: “Nước An Nam xưa là đất Giao Chỉ… Đàn ông lo làm ruộng, đi buôn, đàn bà lo nuôi tằm, dệt vải, cách nói phô hiền hòa, ít lòng ham muốn… Thường năm, trước lễ tết hai ngày, vua đi xe ngự dụng, các quan tùy tùng đều mặc triều phục hầu đạo tiền, tế điện Đế Thích. Ngày 30 Tết, vua ngồi giữa cửa Đoan Củng, các bề tôi đều làm lễ… Ngày Nguyên đán, vào khoảng canh năm, vua ngồi trên điện Vĩnh Thọ, các tôn tử (con cháu nhà vua), các quan cận thần làm lễ hạ trước, rồi vào cung Trường Xuân, vọng bái các lăng tổ. Ngày mùng hai Tế, các quan đều làm lễ riêng ở nhà… Đêm Nguyên tiêu (rằm tháng giêng), trồng những cây đèn ở giữa sân rộng gọi là đèn “Quảng chiếu”, thắp đến mấy vạn ngọn, sáng rực cả trên trời dưới đất…”.

Trong Lịch triều hiến chương loại chí Phan Huy Chú cho biết: Từ thời Lê trung hưng, cứ đến tháng 11 hàng năm, cơ quan Tư Thiên tâu ngày tháng nào là tiết lập xuân và kê cả kiểu mẫu làm xuân ngưu (trâu xuân), giao cho Công bộ sai Thường ban cục làm. Đây là một nghi thức khá đặc biệt, diễn ra trước tiết lập xuân một ngày, mục đích chính của nó là tống khứ cái lạnh của mùa Đông để chuẩn bị đón tiết trời ấm áp của mùa Xuân. Con trâu được nặn bằng đất, được đặt trên đàn lễ, các quan dân sở tại dùng roi dâu đánh vào mình trâu đất, sau chuyển đến trước sân của nhà vua để chính thức làm lễ Tiến Xuân ngưu. Sở dĩ con trâu được chọn để tiến lễ vì đây là tháng quý Đông, tháng Sửu.

Đến thời nhà Nguyễn, hàng năm, cứ đến khoảng ngày 25 tháng Chạp thì các nha môn, phủ huyện ở kinh đô hoặc các trấn tạm ngừng công việc hàng ngày. Người ta mang ấn tín đi lau rửa sạch sẽ rồi niêm phong và cất đi, chờ ngày khai ấn năm mới mới đưa ra dùng lại. Nghi thức này gọi là lễ hạp ấn. Năm Tự Đức thứ 5 (1852), thái giám Dương Uy đã chuyển truyền lời Sắc: “Từ sau, ngày dựng cây nêu và ngày hạ cây nêu đều phải chọn giờ tốt. Lấy đó làm lệ mãi mãi”. Đến năm Tự Đức thứ 29 (1876) lại quy định, việc chọn giờ tốt dựng cây nêu, hạ cây nêu đều lấy giờ Thìn làm định. Việc này do Khâm Thiên giám tâu chọn.

Đặc biệt, dưới thời Nguyễn Gia Long, việc tế lễ ở các miếu và từ đường đã được định lệ rất rõ ràng: Ở Thái miếu, các lễ Trừ tịch, Nguyên đán, Đoan dương, hương tế, kỳ lạp, sóc vọng, mỗi năm 4.600 quan; miếu Triệu tổ và miếu Hoàng khảo mỗi năm chi hơn 370 quan…

Một trong những điểm độc đáo trong ngày Tết thời Gia Long đó chính là quà biếu. Thông thường, cứ vào dịp đầu xuân năm mới, vua Gia Long lại tặng quà cho các đại thần. Quà thường là vải vóc, quần áo hay một vật có ý nghĩa nào đó. Quà được đựng trong một chiếc hộp sơn màu vàng, được giao cho lính mang đến tận nhà trao cho người được tặng. Sẽ có hai người lính, một người bưng hộp quà, một người cầm lọng che theo, mục đích là để tạo sự long trọng cho việc tặng quà. Riêng về phần mình, Gia Long quy định, không có việc quan lại tặng quà cho nhà vua mà chỉ được vào cung để chúc tụng vua. Sáng ngày mồng một Tết, quan lại y phục chỉnh tề, tập hợp theo thứ tự nhất, nhị, tam, tứ phẩm cho đến người cuối cùng ở cung điện. Trong lễ chúc tụng, mọi người quỳ 5 lần và hô vang: “Chúng thần cầu chúc Bệ hạ vạn tuế, vạn vạn tuế”. Sau lời chúc này, nhà vua tiếp các đại thần trong một thời gian ngắn rồi ai về nhà nấy.

Trong hàng quan lại, ngày tết đến người ta cũng tặng quà lẫn nhau. Quan nhỏ tặng quà cho những người chỉ huy trực tiếp của mình. Quà thường là những sản vật trong nhà làm được như một cặp gà vịt, một giỏ hoa quả, một vài phong pháo…Với hàng binh lính, do có số lượng đông, lại được tập hợp đi cùng nhau nên quà cũng có khác, thường là một con lợn sống bỏ trong lồng và gạo nếp. Lễ tặng quà diễn ra khá đơn giản tại công đường. Viên quan ngồi giữa phòng, binh lính quỳ lạy ba lạy để tỏ lòng tôn kính. Quan đáp lại bằng một cái gật đầu, nụ cười rạng rỡ rồi hô gia nhân mang quà vào nhà sau, buổi tặng quà kết thúc… Đối với các nhà thường dân, tết cũng là dịp để mọi người chúc tụng, hiếu hỉ lẫn nhau. Con cái tặng quà cho người bố mẹ bằng những món quà nhỏ tượng trưng cho lòng hiếu thảo, gia chủ tặng quà cho gia nhân bằng những món tiền nhỉ nhằm thể hiện tình cảm nồng hậu đối với họ.

Kể từ thời Minh Mạng, việc chăm lo ngày tết cho nhân dân, đặc biệt là đối với người già, những gia đình tứ đại, ngũ đại đồng đường cũng đều rất chu đáo. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) xuống dụ: “Trẫm nghe, trăm tuổi là kỳ hạn thực là điềm tốt trong nước. Người trên mà nghĩ đến người già, thì kẻ dưới không dám biếng nhác với cha mẹ, ấy là dạy dân lấy đạo hiếu…”. Tiếp đó, năm thứ 4 (1823), vua xuống dụ: “Thượng cổ đều lấy 100 tuổi làm kỳ hạn. Nhưng đời trước đến nay, phàm người nào thọ đến 70 tuổi, đã gọi là ít có. Huống chi thọ đến hơn 100 tuổi. Được gặp người tuổi kì dị như thế, thực là điềm người thọ lúc thái bình. Trẫm cầu lấy nước thọ, dân thọ, để cho ơn lớn được rộng khắp…”

Năm Minh Mạng thứ 7 (1828), vua ra dụ: “Trẫm từ khi trị nước đến nay, ưu đãi người có phúc, ngũ đại đồng đường, càng rất mong cho nước thọ, dân thọ, đều tụ phúc to. Nay cứ trấn Nghệ An tâu lên nêu người dân kỳ lão ở hạt ấy là Nguyễn Duy Phiên (ở huyện Thạch Hà) 100 tuổi, ngũ đại đồng đường, thực là việc vui mừng đáng khen, trừ chiểu lệ cấp cho bạc lạng, vải, lụa; nhưng cho đem số bạc lạng tính chiết lấy 10 lạng, để quan địa phương dựng cho 1 cái nhà. Lại thưởng cho thêm 1 cái biển ngạch có chữ “Dịch diệp diễn tường”, 10 lạng bạc, 1 tấm đoạn, 10 tấm lụa, 20 tấm vải, để biểu dương hiện điềm tốt đời thăng bình”.

Năm Tự Đức thứ 1 1848), tỉnh Hà Tĩnh có một người dân tên là Phạm Viết Cường, ở huyện Hương Sơn thọ 113 tuổi, ngũ đại đồng đường. Vua ban chỉ: “Phạm Viết Cường chuẩn thưởng bạc 10 lạng, đoạn 1 tấm, lụa màu 10 tấm, vải màu 20 tấm và 1 bức biển ngạch “Dịch diệp diễn tường”. Quan phải dựng cho 1 cái nhà, để biểu dương điềm người thọ đời thăng bình”.

Có thể nói, cách tặng quà và nhận quà ngày Tết của người xưa thật ý nghĩa. Vua tặng quà cho các đại thần là nhằm để biểu hiện sự chiếu cố của bậc thiên tử đối với những người đồng cam cộng khổ với mình. Triều đình chăm lo cho người cao tuổi là để chăm lo cho gốc rễ, dạy dân thể hiện đạo nghĩa với cha mẹ, uống nước nhớ nguồn. Quan lại, binh lính tặng quà cho bạn bè, cấp trên hoặc đồng cấp không nhằm mục đích cá nhân, mưu cầu tư lợi mà nó chỉ nhằm thể hiện lòng tôn kính với nhau mà thôi.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, phong tục lễ tết cũng có rất nhiều thay đổi so với trước. Đảng và nhà nước ta luôn quan tâm, chăm sóc đến mọi mặt đời sống của nhân dân, đảm bảo để ai cũng có một cái tết đầm ấm, vui vẻ. Phố phường, làng quê, nhà cửa được trang hoàng đẹp đẽ, trăm hoa đua sắc thắm. Lễ hội được tổ chức nhiều nơi và ngày càng văn minh, lành mạnh, tiết kiệm hơn. Việc tặng quà, biếu quà ngày tết vì mục đích trục lợi bị cấm. Sau nhiều năm cấm pháo thì tết Tân Sửu (2021) người dân được sử dụng phao hoa. Từ chỗ “ăn tết” thì nay đã chuyển dần sang “chơi tết”…

Có thể nói, trong cuộc đời mỗi con người, Tết vẫn luôn sự kiện đặc biệt, là dịp để người đi xa tìm về, các gia đình sum họp và cùng hướng về nguồn cội, là dịp để con trẻ thỏa sức vui chơi, người già được mừng tuổi mới, mọi người thăm hỏi lẫn nhau…Nhưng thiết nghĩ, cũng xin nhắc lại một vài nét đẹp của tết xưa để làm đẹp hơn, ý nghĩa hơn cho tết ngày nay.

                   T.L


Du thuyền trên Sông Cày (Ảnh Văn Bảy)

. . . . .
Loading the player...