11-11-2020 - 14:17

TÌNH CẢM GIA ĐÌNH TRONG THƠ DUY THẢO

Tạp chí Hồng Lĩnh số 170, tháng 10-2020, trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Thanh Truyền về tập thơ "Lối về" (Nxb Văn học, 2020) của nhà thơ Duy Thảo

    TÌNH CẢM GIA ĐÌNH TRONG THƠ DUY THẢO

 (Qua tập thơ Lối về, NXB Văn học, 2020)

                                                          

  Duyên nợ một đời của Duy Thảo gắn với nghề thơ, nghiệp báo. Là người bộn bề đa mang “Buồn vui bao chuyện thế gian nhận về” nên bên cạnh những trang báo ngổn ngang thế sự, ông lắng lòng với những trang thơ nhiều trăn trở ở bề sâu. Trong muôn vạn nỗi đời, có những nỗi niềm luôn day trở tâm can ông, vừa là “nỗi xưa” vừa là thực tại, vừa là suy tư vừa là dự cảm, đó là “nỗi mẹ”, và nỗi “em”. Có lẽ bởi vậy mà sau hơn chục tập thơ ghi dấu trên suốt hành trình sáng tạo với mọi nỗi đời của mình, Duy Thảo đã dành riêng tập “Lối về” để “Xin dâng viếng mẹ, dành lời tặng em”. Tập thơ này là thế giới của yêu thương trĩu nặng với hai chữ “gia đình” bình dị mà thiêng liêng.

Miên man khóc với khúc nôi đoạn trường

Nhắc đến mẹ, mạch thơ Duy Thảo sẽ trào tuôn, bởi tình yêu thương dành cho mẹ là tình cảm thường trực trong ông. “Ngọn nến” là một trong những bài xúc động nhất - bài thơ được viết ngay trong “đêm mẹ bỗng trút hơi thở tàn”, khi nhà thức thâu canh bên giường mẹ trước ngày cách trở âm dương. Trong thời khắc đặc biệt, nỗi xót lòng đã thức dậy những hồi tưởng miên man về đời mẹ: “Miên man khóc với khúc nôi đoạn trường:/ Những đêm tiếng vạc kêu sương/ Những ngày chạy chợ mòn đường đôi vai/ Những chiều cháo tấm, rau khoai/ Một mình mẹ với giêng hai tảo tần…”.

Cái hình ảnh “một mình mẹ” tảo tần mà lẻ loi, đơn độc, tội nghiệp đã hằn sâu vào ký ức nhà thơ từ thời thơ ấu, và hình ảnh ấy cũng lặp đi lặp lại rất nhiều trong thơ ông. Theo lời kể của tác giả, trong số những người bạn cùng trang lứa ở làng Đông Thái ngày trước của ông thì ông là một trong hai người con nông dân được gia đình cho đi học. Mà gia đình của Duy Thảo, thì chỉ có mỗi mẹ ông chèo chống, chăm lo. Thơ ông luôn khắc nhớ đặc điểm gia cảnh ấy: “Ông bà đói rét qua đời/ Cha đi biệt xứ quê người bao năm/ Một đôi vai mẹ tảo tần/ Gánh bao cay cực, âm thầm ngày đêm”, “Hai con nhỏ trên tay/ Chồng tha phương bạt xứ/ Mẹ lần hồi chạy chợ…”, “Tận ba mươi Tết mẹ còn long đong”. Khắc nhớ để thấm thía tình thương yêu và đức hi sinh vô bờ của mẹ, để biết ơn lòng quyết tâm nuôi con ăn học nên người, để thấm thía cảm thông thấu suốt những cay cực mẹ đã trải, khắc nhớ và khát khao bù đắp,… Và có khi, khắc nhớ để day dứt hơn. Mẹ không chỉ một mình suốt tuổi trẻ. Mẹ một mình đến tận lúc về già: “Xin tạ lỗi ngày đoàn viên trở lại/ Chốn làng quê mẹ vẫn ở một mình”. Khắc nhớ vào tâm khảm, bởi “Tấm bia mộ nơi quê từng cháo cám/ Khắc làm sao được công mẹ sinh thời”! Khắc nhớ để sự cách trở âm dương không cách ngăn được tình mẫu tử thiêng liêng.

In tập “Lối về” khi mẹ đã khuất xa, Duy Thảo gọi tất cả những bài thơ có hình bóng mẹ là chùm “ký ức cuộc đời” để “dâng viếng mẹ”. Chùm ký ức này có rất nhiều cung bậc buồn vui, nhưng chủ âm vẫn là “khúc nôi đoạn trường” – nỗi nhớ, niềm thương đứt ruột. “Mẹ tôi khổ quá!”, đó là lời cảm thán ngày thường của Duy Thảo mỗi khi nhắc về mẹ. Thế nên, trong mạch thơ về mẹ, ngay bên cạnh những câu thơ thể hiện nỗi nhớ là những câu thơ bộc lộ niềm thương. Bên bữa cơm ngày thường “Mười ngàn, mười lăm con cá/ Bữa cơm dân dã mà sang” là nỗi niềm “Bần thần gắp con cá trích/ Lại thương mẹ thuở cơ hàn”. Trên lối về làng xưa, biết bao kỷ niệm về quê hương gia đình được tái hiện, và đương nhiên, đậm nét nhất là hình bóng mẹ: “Lối qua chợ Hạ, chợ Cầu/ Mẹ đi con đứng mỏi đầu ngóng sang”, “Lối đâu xóm dệt lên đèn/ Sương giăng, tiếng vạc kêu đêm não nùng/ Canh khuya bên ngọn bấc lùng/ Câu Kiều mẹ lẩy theo chừng thoi đưa…”. Đan xen trong hồi tưởng là day dứt khi những gian khổ đớn đau mẹ chỉ nhận về mình, che chắn cho con cả lúc con xa nhà đi chiến trận: “Xin tạ lỗi ngày con ra chiến trận/ Cứ ngỡ mình chịu ác liệt gian nan/ Nào đâu biết mẹ sống bên ụ pháo/ Ngày tải thương, đêm chung sức cứu hàng// Nhà bom dội, hai lần lều dựng tạm/ Thư cho con vẫn kể chuyện bình yên/ Chị con chết, mẹ giấu chưa báo vội/ Chỉ mong con chân cứng đá mềm”. Yêu mẹ, kính mẹ, ơn mẹ nên nỗi đau mất mẹ luôn hiện hữu. Nỗi đau hóa thành nỗi nhớ trông vời, hóa thành nỗi hụt hẫng, hoang mang: “Bây giờ không còn nữa/ Dù một thoáng hững hờ/ Mẹ đã là thiên cổ/ Con trông vời ngẩn ngơ”. Nỗi hụt hẫng hoang mang trong thơ về mẹ của Duy Thảo thực sự là bản trường ca thiết tha về tình mẫu tử, bản trường ca có những điệp khúc buồn thương mà đẹp đến nao lòng: “Chiều mai cách trở âm dương/ Con về tha thẩn căn buồng lạnh gian/ Gió lay bóng nến qua màn/ Tưởng là mẹ thở nhẹ nhàng trong chăn”, “Về quê tìm lại làng xưa/ Làng đây, mà đứng ngẩn ngơ với mình”, “Tìm về dáng mẹ của tôi/ Thời gian khuất lấp xa xôi nẻo vườn/ Nẻo xưa mồn một vui buồn/ Nẻo nay trống vắng con đường phía sau/ Biết tìm dáng mẹ ở đâu/ Đường lên nấm mộ ngàn lau trắng bờ”. Những từ láy “tha thẩn”, “bần thần”, “ngẩn ngơ”,… xuất hiện như những nốt nhấn lắng sâu và ngân rung xen vào những điệp khúc buồn thương ấy.

Đọc những câu thơ về mẹ của Duy Thảo, ta cảm được nhịp tim của một người con tận hiếu!

Đời vẫn đẹp và tình yêu cứ trẻ

 Yêu kính, biết ơn đấng sinh thành dưỡng dục nên Duy Thảo cũng vô cùng trân trọng người phụ nữ Mê Linh trọn đời gắn bó vì mình. Vì vậy, đọc những câu thơ về vợ của Duy Thảo, ta được gặp một tình yêu bền bỉ, đằm sâu.

 “Đời vẫn đẹp và tình yêu cứ trẻ” là câu thơ được viết khi tình chồng vợ của nhà thơ Duy Thảo đã ở ngưỡng bốn lăm năm, “Khi tuổi em mới sáu mươi tư lẻ/ Anh xuân xanh chẵn tuổi bảy lăm tròn…”. Rồi “Xuân này mình tuổi tám ba/ Vợ cô gái Bắc thành bà bảy hai”. Cảm xúc yêu thương mộc mạc, chân thành của tình chồng vợ vẫn được Duy Thảo bộc bạch cùng những lời tếu táo, lạc quan như đã từng bộc bạch trong những câu thơ viết gần 30 năm về trước – những năm gian khó đầu thập kỉ 90: “Đời vẫn đẹp – ngoài kia đường phố sáng/ Ngủ đi em! Ngày mai còn mở quán/ Kiếm thêm đồng “nhuận bút” ở nơi đây”. Đó là giọng điệu yêu thương ngày thường theo suốt đời thơ, một giọng điệu rất Duy Thảo!

Tình yêu của nhà báo – nhà thơ Duy Thảo với người con gái Mê Linh khởi nguồn từ khi anh lính xa nhà gặp cô gái quê nết na hiền thục “Anh về Vĩnh Phú quê em/ Bởi sâu nghĩa nước, nặng thêm tình nhà”. Tình yêu sâu sắc mãnh liệt không chỉ khiến Duy Thảo “ngược nguồn con nước/ Đưa em về sông La” mà còn giúp đôi trai tài gái đảm vượt “bao phen long đong”. Đi qua sóng gió mưu sinh, đi qua những phù phiếm phù du cõi đời bằng sự sẻ chia thầm lặng: “Như ruột dưa hồng/ Giấu vào xanh vỏ/ Cùi nhãn ngọt ứa/ Giấu trong xù xì”. Nhà thơ bộc lộ rất tự nhiên cái vẻ đẹp tình – yêu - của – ngày - thường: “Cay, đắng, ngọt, chua/ Năm nắng mười mưa/ Tình ta nếm trải/ Xa nhau khắc khoải/ Thư viết bao lời/ Gần nhau lặng lẽ/ Mát dịu cây đời”. Không có những câu thơ thật trau chuốt nhưng tình yêu của ngày thường trong thơ ông vẫn luôn khiến người đọc xúc động, ước ao: “Tạnh mưa trời quang thêm/ Đường vui cây lá vẫy/ Cũng như là em đấy/ Cười bên chồng bên con”, “Anh đành gọi tên em thôi/ Để còn trẻ mãi cái thời quen nhau”, “Quen em 16 tuổi/ Tặng 16 bông hoa/ Mong sao sắc hồng thắm/ Đẹp mãi suốt tuổi già”. Đọc những tình thơ giản dị ấy, nhiều khi tôi nghĩ, thơ ca suy cho cùng có vai trò gì vinh quang hơn việc giúp con người có cuộc – sống – đẹp – như – thơ!

Thơ tình tặng vợ của Duy Thảo gây xúc động nhất ở những bài thơ thể hiện niềm cảm thông, sự thấu suốt, ở tình yêu thương rất đỗi ân cần. Hiểu vợ luôn tần tảo lo toan vun vén cho chồng con, xuân về hòa cùng niềm vui sắm được cho con áo mới của vợ, nhìn con cười tươi như hoa, nhà thơ chạnh lòng thương vợ và trực cảm khiến ông liên tưởng vợ mình như cành đào: “Thương em vẫn áo màu nâu đất/ Giản dị cành đào nuôi nụ hoa”. Khi vợ xa nhà, người đàn ông vốn quen “lang bạt vì thơ, miệt mài vì báo” rơi vào khoảng lặng của suy tư, và nỗi nhớ thương nhiều hơn: “Ngày nấu một lần cơm/ Xới lên rồi bỏ dở/…Anh trách mình quá chừng/ Lúc gần sao dửng dưng/ Để xa rồi mới quý”. Khi vợ đột ngột ngã bệnh, tình yêu thương thấm vào day dứt, ăn năn, tự trách, xót xa cũng nhiều hơn: “Qua cơn tai biến, em ra viện/ Anh mừng như thuở đón cô dâu/ Gian buồng ngăn nắp hơn ngày cũ/ Chăn gối tinh tươm tựa buổi đầu// Bữa cơm đoàn tụ đông con cháu/ Chuyên vui san sẻ ấm ngôi nhà/ Nhìn em lóng ngóng cầm rơi đũa/ Anh thương, nước mắt bỗng trào ra…”. Khi nhìn lại tất cả đã qua, nhà thơ nhận ra cội nguồn hạnh phúc: “Lúc gian nan, lúc cận kề cái chết/ Chữ thủy chung mới thấu nghĩa bao la”. Thơ về vợ của Duy Thảo bao nhiêu năm qua vẫn dạt dào như những con sóng ru vỗ đôi bờ - từ cảm mến đến gắn bó tình chồng vợ, từ dửng dưng bình thường đến thẫn thờ nhung nhớ, từ “tiếng cười rộng thênh” trong nhà nhỏ phòng hẹp đến những giọt nước mắt chực trào ra nghẹn ngào khi nhìn vợ mình “lóng ngóng cầm rơi đũa”… Cảm xúc dạt dào bền bỉ xuyên thời gian ấy chỉ có thể là giai điệu của yêu thương cất lên từ nhịp tim thẳm sâu tình nghĩa!

Những mong con cháu biết nơi phụng thờ

Hình bóng người phụ nữ xuất hiện nhiều trong thơ Duy Thảo không chỉ có mẹ và em, mà còn có chị. Đó là người chị đảm đang mà yểu mệnh. Mất mẹ thì hoang mang, mất chị thì em chống chênh chới với. Duy Thảo có bài lục bát “Núi Mồ Côi” rất hay, vừa là tên núi cụ thể nơi quê nhà, gắn với kỷ niệm thơ ấu của chị và em, vừa là một biểu tượng nghệ thuật gợi nhiều cảm xúc, đầy ám ảnh: “Tuổi thơ theo mẹ lên bà/ Mỏi chân bắt chị cõng qua mái đồi”, “Em vào quân ngũ bao miền gần xa/ Đèo cao dốc thẳm vượt qua/ Hành quân nhớ ngọn núi nhà Mồ Côi…/ Tin quê bỗng đến rụng rời/ Chị đau, đã mất – ba mươi tuổi tròn// Ngày về xiết nỗi cô đơn/ Em đi tha thẩn dọc đường Mồ Côi…”. Có tuổi thơ cơ hàn, lại có tâm hồn mẫn cảm nên dường như yếu tố ngoại cảnh ngày thường nào cũng có thể trở thành nguyên cớ thức dậy biết bao ký ức trong ông, kể cả những ký ức tuổi thơ xa lắc. Đến một vùng quê khác vào đúng độ xuân về, nhà thơ cảm tưởng mình được gặp lại Tết xưa, và “Gặp cái vội vàng trong dáng chị/ Ruộng nương nhà cửa việc xoay tròn/ Nuôi mẹ ốm đau, em ăn học/ Xuân về đành gác chuyện chồng con”. Trên lối về làng xưa, nhìn đường mới mà nhớ lối xưa, cảnh xưa “Lối đâu chùa Nhắt, chùa Am/ Chị ra nhặt sấu, nhặt bàng dỗ em”.

Theo mạch thơ “Lối về”, Duy Thảo bộc bạch nỗi lòng viếng mẹ, tặng em, nhớ chị, và qua đó, xác lập quan niệm nhân sinh của mình một cách chân thành mà dứt khoát - xác lập cho mình và nhắc nhở cháu con: “Nhắc con cháu dù nhà cao cửa rộng/ Biết cội nguồn điểm xuất phát từ đâu”, “Đường trần bến hoặc, bờ mê/ Cõi hư vô chọn lối về làng xưa…”, “Lòng đau đáu về làng quê, họ tộc/ Nơi tuổi thơ từ áo nâu, quần cộc/ Cho cháu con biết xa chốn hư danh”. Trên “lối về” của tâm tưởng, Duy Thảo gặp lại mình, gặp lại mẹ, gặp lại chị, gặp lại nhà xưa vườn xưa, gặp lại bao yêu thương nơi quê hương bản quán. Để rồi, từ “lối về”, nhà thơ bộc lộ bao dự cảm, suy tư, hy vọng hướng đến việc gìn giữ, tạo chiếc cầu nối trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống mà nền tảng là gia đình - gia phong, là dòng tộc, là làng quê. Không tự khoác lên mình sứ mệnh trao truyền văn hóa giữa các thế hệ, thơ Duy Thảo dường như đã vô tình làm được điều đó một cách rất thơ. Cũng chẳng lạ, bởi không phải ai cũng có tấm lòng tha thiết với cội nguồn, với ngọn nguồn như ông đã có!

Ngày Gia đình Việt Nam, 28/6/2020.

    Nguyễn Thanh Truyền

 

 

. . . . .
Loading the player...