29-02-2020 - 07:09

Truyện ngắn TRONG LÚC CHỜ BỐ của Nhà văn Đinh Phương

Nhà văn ĐINH PHƯƠNG Sinh năm 1989 tại Quảng Ninh. Tốt nghiệp Khoa Sáng tác và LLPB trường Đại học văn hóa Hà Nội.Hiện công tác tại Tạp chí văn nghệ Quân đội. Hội viên Hội nhà văn Việt Nam Tác phẩm đã xuất bản: Những đứa con của chúa trời (tập truyện ngắn), Nhụy khúc (tiểu thuyết) Giải Nhì cuộc thi truyện ngắn Tạp chí VNQĐ (20133-2014) Tạp chí Hồng Lĩnh xin giới thiệu truyện ngắn của anh

Nhà văn ĐInh Phương 

TRONG LÚC CHỜ BỐ

Truyện ngắn

Mẹ gọi tôi về, mẹ bảo, thị trấn mùa này nhiều mưa quá, những cơn mưa quái ác phủ quá tai ương kiếp người, hết cơn này đến cơn khác gối gập sang nhau, mưa chồng mưa, nước chồng nước, từ nhà nhìn ra chỗ nào cũng nước, mẹ bảo thêm con đưa cả vợ con về, lâu rồi hai mẹ con không gặp nhau. Tôi nghe mẹ nói những chặp dài như mưa dấp dính trong điện thoại, giọng ù ù nhập nhòe như xen lẫn cả nước mưa, về hay không, lâu rồi, với tôi đã chẳng còn quan trọng. Cách đây mấy năm, ngày xa thị trấn tôi đã quyết không về nữa, ra đi là vĩnh quyết. Lửa nào là lửa xanh, lửa nào là lửa đỏ, xanh xanh đỏ đỏ, mơ mơ mộng mộng, tôi không về vì căn nhà trống quá, bố đã lấy người đàn bà khác dọn sang bên kia thị trấn ở. Ngày đi, bố bảo, “hai mẹ con ở lại sống tốt”. Tôi không biết thế nào là tốt. Tôi khóc, nước mắt một thằng nhãi mới chạm hờ vào đời lao đao chảy xuôi nhỏ xuống đất. Khóc chán, tôi ngẩng mặt nhìn trời. Trời hôm ấy rất xanh, giá trời mưa, nhưng trời không mưa, trời xanh quá, tôi hóa lá cây xanh, thôi không khóc nữa tôi chạy đi tìm chúng bạn, phải đến tối về, khi thấy mẹ ngồi một mình trong căn nhà nhập nhoạng tối mắt dõi ra sân tôi mới ti tỉ khóc tiếp. Mẹ không biết tôi đói cồn cào nên chưa nấu cơm, mẹ dõi theo cơn mơ dài thuở nào đó trong đời. Tôi bước vào, nhà tối người tối, tôi tìm công tắc bật điện, điện yếu, đèn phập phù tắt mở.  “tắt đi”, tôi không nghe rõ hỏi lại: “mẹ bảo sao ạ!”, “tắt đèn đi, mày điếc hả?”. Chưa bao giờ mẹ nặng lời với tôi thế, không tin vào tai mình, sợ hãi, vội vàng tôi trả lại bóng đêm cho mẹ, mẹ rút vào bóng đêm an trú của mình, tôi lần mò xuống bếp loạng quạng tìm vại gạo, tìm nồi, đong nước, chất bếp. Vừa làm tôi vừa nghĩ đến bố, giờ tôi không buồn khóc nữa, bữa cơm đầu tiên nơi nhà mới chắc bố vui, sẽ có thịt gà luộc, lòng mề xào mướp, khoai tây ninh xương, chả nem rán, có rượu nâng lên đặt xuống...

Cứ nghĩ đến mẹ bao giờ tôi cũng nghĩ về đoạn ngày bố đi, không hơn. Nhiều lúc cố điều chỉnh nghĩ về điều gì đó khác, về kỉ niệm đủ bố đủ mẹ nhưng không được. Các kí ức tươi vui trong tôi bị xóa sạch hết rồi. Có một cánh cửa ở đây, đồng thời ngày đi bố đã xây bức tường chắn tất cả lại, cuối cùng còn sót lại trong nhà là hai mẹ con loay hoay tìm đường ra. Khá nhiều lần tôi hỏi mẹ sao không đi thêm bước nữa, sau này già cả còn có chỗ dựa khi trái gió trở trời, con nuôi cha không bằng bà nuôi ông, mẹ ừ hữ, tay đang cầm chén nước ngần ngừ, uống hết rồi mà vẫn đưa lên miệng, giật mình đặt xuống, mẹ không trả lời câu hỏi. Tôi dồn tiếp, “hay mẹ còn nhớ bố?”, “hỏi vớ vẩn”, mặt tái đi, mẹ thường sẽ tìm cớ đứng lên loanh quanh vờ như đang có việc quan trọng gì đó cần giải quyết gấp, không có ngồi lại cũng chỉ là ngồi về phần xác, phần hồn đã trôi đi phương nảo phương nào. Chưa bao giờ tôi biết được mẹ thực sự nghĩ gì. Cưới tôi, bố cũng về dù tôi không muốn, mẹ nhất quyết bảo còn đằng vợ con nhìn vào, kiểu gì cũng phải có bố đại diện đứng ra tiếp khách. Người vợ mới của bố lùn, béo đứng cạnh mẹ, mặc áo dài màu vàng, khách khứa đi qua ý nhị không hỏi người đàn bà vợ mới của bố là ai, khi lên sân khấu làm lễ bà ta cũng không lên, tránh vào chỗ khuất bên dưới. Bố đứng cạnh mẹ đại diện nhà trai. Tôi, vợ tôi đứng giữa, bên kia là bố mẹ vợ, đại diện nhà gái lên phát biểu trước. Đến đại diện nhà trai, bố lên, ngắc ngứ, cứ chốc chốc lại ngoái nhìn mẹ, sau chuyển sang người đàn bà bên dưới, bố không biết nói gì, cuối cùng bố nhìn tôi, tôi quay đi, người dẫn chương trình bảo bố chú rể xúc động quá không nói lên lời trong một ngày trọng đại thế này, bố lập bập cảm ơn lui về cạnh mẹ, người vợ của bố ở dưới ngơ ngác nhìn lên, tôi còn một đứa em trai cùng cha khác mẹ nữa, hôm nay nó không đến đám cưới vì sốt vi rút hay quai bị gì đó, tôi chưa gặp nó, nếu gặp thật chẳng biết phải phản ứng sao cho phải, nó sẽ chào tôi là anh, tôi sẽ nhìn vào khuôn mặt nó xem nó có gì giống và khác tôi, mắt mũi mồm miệng này của ai của ai, vào năm tôi bằng tuổi nó tôi có những nét như thế, nó đã lấy đi của tôi một người bố, nó đầy đủ về mặt tình cảm hơn tôi, tôi có nên ghét nó?

Và rồi chẳng thực hiện được lời hứa, từ thành phố tôi vẫn cần mẫn tìm về thị trấn không cách này thì cách khác. Không về được bằng con người xác thịt thì về bằng tâm tưởng. Về để (nhớ) (biết) (khẳng định) mình có một chỗ để đi về.

*

- Dù sao thì con cũng nên tha thứ cho bố.

Lần gần nhất tôi về thị trấn đợt ba mươi tháng tư mùng một tháng năm mẹ đã nói thế, trong một bữa cơm sắp tàn, vợ tôi đã ăn xong ngồi lướt facebook trên ghế, tôi ăn chậm đợi mẹ trệu trạo nhai nốt mấy miếng khoai sọ trong bát, khoai nay vợ tôi ninh chưa dừ hẳn, vừa tới, chúng tôi ăn thì ngon còn mẹ thì không, cứ nhè ra nhè vào, tôi phải lấy muỗng dằm nát hẳn ra. Mấy năm trở lại đây mẹ yếu đi nhiều, hơi chút là cảm nóng cảm lạnh, chân còn bị khớp, cứ quay gió là đau, uống đủ cả thuốc tây lẫn thuốc ta, sữa dành cho người già bổ sung can xi uống hết hộp này sang hộp khác, cứ quảng cáo loại nào mới là mua mà chân mẹ cũng chả khá lên mấy. Đã nhiều lần tôi muốn mẹ bán quách căn nhà đi lên ở với chúng tôi, hoặc không bán cũng được, nhà cứ đóng cửa thuê người rằm mùng một dọn dẹp thắp hương, mẹ lên thành phố còn có người chăm, có gì đi viện cho dễ, chứ cứ ở một mình thế này không ổn. nhưng mẹ không muốn đi, mẹ kể bà A ông B lên thành phố chết rồi mà xương cốt vùi ở tận đẩu tận đâu, chẳng một lần về thăm lại thị trấn, nhà cửa bán người ta phá đi xây lại hết rồi, nghĩa địa thành phố làm sao vui bằng nghĩa địa thị trấn, có bà H ông Y cô M bạn thân mẹ trong xóm mất mẹ còn sang làm giúp mấy ngày, rồi đi đưa, sang cát mẹ cũng sang đọc kinh, họ vẫn đợi mẹ đấy. Nghĩ tủi lắm các con ạ, ở thị trấn giờ đa số con cái lớn đi làm ăn xa hết, chỉ còn bóng già còm cõi lủi thủi thăm nhau, rồi đến khi không ở một mình được cũng đành theo con cái, chết cũng không thể quay về nơi mấy chục năm mình đã sống, sống thế chẳng bằng chết, mẹ không đi là không đi, làm ma cũng phải có xóm giềng trên dưới, ma lẻ dễ bị ma khác bắt nạt.

- Trời ơi, mẹ lẩm cẩm quá rồi, chết là hết chứ xương cốt quan trọng quái gì,

Vợ tôi đang lướt điện thoại, nghe mẹ nói ngẩng mặt lên lạnh lùng chêm vào. Đã bao nhiêu lần tôi bảo cô ấy bỏ cái tật bộp chột, gặp đâu nói đấy, nhất là trước mặt người lớn tuổi đi mà cô ấy không bỏ được. Giờ thì to chuyện rồi, mẹ bỏ đũa ngẩng lên nhìn mặt vợ tôi, nhìn mặt tôi, nhìn lên bàn thờ vẫn còn vương vít khói hương, mẹ nhìn mẹ trong khói, xong uể oải nhổm dậy, tôi đỡ nhưng mẹ hất tay ra.

- Không dám nhờ anh chị, tôi biết tôi lạc hậu, tôi dốt nát, nhưng dốt nát tôi vẫn nuôi cho anh đến nơi đến chốn, dựng vợ gả chồng tử tế, từ giờ trở đi tôi có thế nào cũng mặc cái thân tôi, chẳng dám phiền anh chị chăm bẵm lo lắng.

Tôi theo mẹ ra vườn, vơ vẩn mẹ ngồi bắt mấy hạt nắng từ trên vòm nhãn đổ xuống đất. Tay mẹ nhăn nheo, mẹ già đến mức tôi không còn nhận ra nữa, trước đây tôi chưa từng nghĩ một ngày mẹ sẽ già đến thế, chỉ thoáng qua các lớp thời gian dồn đuổi nhau đã thành mấy chục năm trời, Từ Thức năm xưa quẩy ngựa về trần, tôi ruổi tôi về thị trấn, mẹ đã già như không phải mẹ tôi ngày nào trong trí nhớ.

- Con xin lỗi mẹ, để con bảo vợ con.

Gió thổi lá nhãn chao đảo, mấy hạt nắng hết nhảy khỏi tay mẹ lại nhảy xuống đất, nô đùa như trẻ nhỏ. không nhìn tôi, mẹ bảo:

- Ừ.

Khe khẽ, khe khẽ, tiếng con ve nào váng vất vọng lại, nắng gắt nuốt chửng tiếng ve.

Vào nhà, vợ tôi đang rửa bát, điện thoại bật bài hát đang hot trong giới trẻ Anh đếch cần gì nhiều ngoài em, tôi nhìn nhìn vợ thở dài rồi thôi, có nói cô ấy cũng sẽ bảo thế anh không thấy em nói đúng à, chết là hết chứ còn gì nữa, có cho ăn cho uống, chăm sóc thì làm lúc sống đi, chết rồi thì cần quái gì, có cúng gà cúng bò cũng chỉ nhìn chỉ ngửi, có ai thấy hồn về ăn bao giờ, nếu hồn về được thì người sống sợ chẳng sợ phát khiếp lên. Kể ra, cô ấy nói cũng đúng, nhưng là đúng theo cô ấy, còn với mẹ tôi, thì không, mẹ tôi cần cả chúng tôi chăm sóc lúc sống lẫn cả phần trù định cho kiếp sau, nhưng cái phần kiếp sau kia thường có phần lấn át hơn, khi sức khỏe càng xuống mẹ suy nghĩ càng nhiều.

*

Cũng vì lí do trên đây nên khi mẹ gọi điện bảo về, dẫn thêm cả vợ tôi rất bất ngờ. Chẳng nhẽ mẹ đã quyết định lên thành phố ở với chúng tôi, cũng có thể mẹ đã suy nghĩ lại, giá chúng tôi có với nhau mặt con thì mọi chuyện dễ dàng hơn, bà có lí do lên để trông cháu, nhưng đằng này vợ chồng tôi vẫn đang trong thời gian kế hoạch, vợ tôi bảo chỉ đẻ một đứa nên cần chuẩn bị chu đáo tất cả từ nhà cửa, công việc, sức khỏe, đến tích lũy một số vốn trong thời gian nghỉ sinh, rồi còn dự tính cho con đi du học nước này nước kia, tôi ậm ừ gồng theo dù không thích, con cái vốn trời cho, cứ đẻ là được chứ tính toán làm gì, đầy cặp vợ chồng lấy nhau bao năm muốn còn không có con, đến lúc hết kế quay sang đi chữa cũng chết.

- Mẹ bảo vợ chồng mình về đấy.

- Tự dựng về làm gì, hay mẹ định bán nhà lên ở với chúng mình, em tính rồi, với tiền bán nhà của mẹ cộng thêm bên ngoại cho nữa là mình có thể mua được chung cư đấy, chứ cứ ở nhà thuê mãi thế này em cũng ngán rồi.

Hóa ra vợ tôi đã có dự tính riêng của mình, cũng phải thôi, cứ nhìn căn phòng trọ ở nóc một tòa nhà xây từ thời Pháp, đã được cơi nới gia cố nhiều lần thì ai mà chẳng chán. Ngày mưa còn đỡ, ngày nắng phải kéo hết rèm, bật điều hòa ở mức lạnh nhất mởi có thể yên tâm nằm thở được. Chưa kể về sinh hoạt cũng bất tiện, cùng ở nóc nhà với chúng tôi còn hai gia đình nữa; một gia đình có cậu con trai cứ sáng sớm lại ra đứng trước cửa hót líu lo như chim, nhiều người bảo cậu ta ngáo đá, cậu ta tưởng mình là chim, đã nhiều lần đi qua cậu ta tôi đắn đo không biết có nên khuyên cậu ta gieo mình từ tầng bốn xuống đất không, một con chim thì nên bay chứ không thể cứ đứng một chỗ mà hót; một gia đình nữa cứ dăm hôm lại xảy ra một vụ đánh ghen, lúc đánh ghen với chồng, khi đánh ghen với vợ, già trẻ xấu đẹp đủ cả, vụ nặng nhất là một nhóm dăm người đàn bà mặc áo chống nắng, đeo khẩu trang y tế xanh da trời sục lên vào cuối chiều, đã được phân công trước, hai bà to béo đạp cửa ào vào lôi người vợ ra, kẹp nách hai bên, bà có chồng đi ngoại tình làm nhiệm vụ quan tòa, hỏi: “mày ngủ với chồng tao có sướng không? con l… này, tao hỏi mặt mày cứ nghênh nghênh như mặt chó đá thế hả! đ… mẹ, chị em đâu cho nó nổi tiếng nhất mạng xã hội ngày hôm nay đi”, xoạc xoạc, áo ngủ màu tím bị xé làm hai, ở trong là xu chiêng màu cam, xu chiêng cũng bị giật nốt, hai tay bà vợ vẫn bị giữ, sau xuống đến quần ngủ cũng thế, tím và cam, hai điện thoại một quay một chụp, người có chồng đi ngoại tình đóng vai trò người kể chuyện, vừa tát thụi vừa tỉ tê dẫn dắt câu chuyện cho đám người nhốn nháo hiếu kì xung quanh, người vợ ban đầu còn giẫy giụa che những phần cần che sau thôi mặc kệ buông xuôi, da thịt nào cũng là da thịt, trời loanh quanh chuyển tối tất cả giải tán về nhà như chưa từng có chuyện gì xảy ra, hàng xóm hờ hững xem như xem một chương trình phát sinh không có trên kênh phim giờ vàng của đài truyền hình quốc gia lúc chín giờ tối, thật chẳng hiểu sao thế mà họ vẫn sống được với nhau bao năm, không con cái gì, ông ăn chả bà ăn nem, họ mặc nhiên coi chuyện ngoại tình là hiển nhiên, rồi vẫn ngày ngày ăn chung ở chung, ra nhìn vào thấy.

Ngày biết bố ngoại tình với vợ mới bây giờ mẹ không nói gì, mẹ im lặng, hàng xóm cũng biết chuyện bố ngoại tình, họ bảo mẹ đánh ghen đi họ sẵn sàng giúp đỡ, chân lí nằm trong tay mẹ, mẹ chỉ cần đốt lên một ngọn đuốc công lí dẫn đường là rất nhiều người đi theo sang bên kia thị trấn, số nhà, khu nào, ai làm trưởng khu tất cả đều được cung cấp sẵn cho mẹ. Mẹ không đi, mẹ cám ơn mọi người, tất cả ra về trong trạng thái thiếu hụt ức chế, nhẽ ra phải thế này, nhẽ ra phải thế kia, vào tay tôi có mà…, lâu rồi ở thị trấn chưa có vụ đánh ghen nào ra hồn đến nơi đến chốn, họ chờ đợi ở mẹ nhiều hơn, nhưng tôi biết mẹ chỉ thấy buồn, bố đi làm về đi ra đi vào như cái bóng,bố biết mẹ biết việc ngoại tình của mình qua mấy người hàng xóm, tôi ngờ rằng chiều nay bố còn nghỉ làm ở công trường đến nhà người đàn bà kia đợi sóng gió tràn qua nữa, nhưng rồi mãi chẳng thấy gì, dự báo chỉ là dự báo nên đành về lại căn nhà bao năm đã ở. Giờ vẻ bồn chồn khó chịu hằn lên mắt bố, không khí trong nhà trở nên bức bối ngột ngạt, mở hết các cửa trong nhà xong bố ra ngồi bệt xuống hiên hút thuốc lào sòng sọc, uống nước chè đặc chát. có nhiều cặp mắt đang dõi sang nhà tôi chờ đợi bùng nổ. Mẹ vẫn điềm nhiên cặm cụi nấu cơm cho tôi ăn, có thịt kho, canh rau ngót nấu, mẹ không ăn bố không ăn. Bóng tối đổ tràn lên căn nhà, tối nay thị trấn mất điện, tù mù mẹ lấy đèn dầu trên bàn thờ xuống thắp, tôi ngoặt hai bàn tay vào với nhau làm chim, xong làm cho vờ sủa gâu gâu, chơi chán với cái bóng của đôi bàn tay mình tôi lẻn ra ngoài xem bố đâu, bố vẫn ngồi nhìn trân trân lên trời không nhúc nhích, cạnh ấm nước chè điếu cày giờ thêm chai rượu trắng, miệng bố sặc mùi rượu, chai rượu trắng đã vơi một nửa. mẹ đợi tôi đi ra ngoài thì lấy cuốn vở ra lần đến trang giữa rồi bắt đầu viết, mở đầu bằng: “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Độc lập – Tự do – Hạnh phúc; Đơn xin li hôn…” và kết thúc bằng chữ kí hai người. Cả mẹ và bố đều biết kết thúc hiển nhiên sẽ thế. Cả hai kí xong thì có điện. Tôi bật hết đèn trong đèn ngoài lên, bố mẹ nhìn nhau, quay sang nhìn tôi đầy tội lỗi, tôi nhìn bố mẹ chờ đợi, bố tu nốt chỗ rượu còn lại trong chai lảo đảo đi về phía nhà tắm. Mẹ ngồi thần ước việc mất điện lâu hơn.

*

Về thị trấn…

Chưa ngồi ấm chỗ mẹ đã thông báo lí do gọi chúng tôi về, bố ốm nhờ người quen đánh tiếng muốn quay về với mẹ. Người vợ mới của bố bỏ sạp hàng khô ở chợ, ăn chay, bỏ nhà lên chùa ở đã gần năm nay. Bà ta giờ nghiện chùa hơn nghiện nhà, bảo bố là chủ nợ kiếp trước vay tiền chưa trả, kiếp này gặp trả nợ xong xuôi, có với nhau mặt con, hầu hạ đến thế là hết tính hết nghĩa. Bố ốm là do nghiệp của mình nên tự gánh lấy. Bà ta còn phải đi làm công quả, cúng dường cho tội lỗi ở các kiếp khác nữa, kiếp thì giết gà – gà báo nợ đau chân, kiếp thì giết chuột – chuột làm cho đau đầu về tối, kiếp làm quan đi đường giẫm cứt tức giận sai lính lôi người ăn mày ngồi cười gần đó ra chém đầu – người ăn mày không siêu thoát dai dẳng bám theo qua các ức kiếp đòi mạng. Có một thứ gọi là nợ nần tiền tiền kiếp được sáng tác hiện diện hập hù trong các cuộc gọi hồn diễn ra đều đặn vào thứ hai tư sáu hàng tuần trên chùa Ấm Ớ, cách thị trấn hai mươi cây số về phía Nam. Đau ốm cũng gọi hồn ở kiếp nảo kiếp nào về hỏi vì sao, có nợ gì thì nói thẳng ra còn trả đừng ngoắt ngoéo; con học dốt không được học sinh tiên tiến cũng hồn, thằng bé bị hồn thầy giáo mấy mươi đời trù vì xưa mang tên bố mẹ thầy ra chửi trước lớp; chồng yếu sinh lí cũng do hồn nữ ở vạn vạn kiếp trước oán vì chồng là khách làng chơi vào lầu xanh bóc bánh quỵt tiền; đến xích mích với hàng xóm cũng hồn này với hồn kia xưa là hai tướng quân đời nhà Tống bên Tàu đánh nhau nốt, nên giờ cứ nhìn thấy nhau là choảng bất cần lí do. Tất cả bất trắc, khó khăn trong cuộc sống đều quy ra hồn đòi nợ, hồn nhập vào người được chỉ định trong các cuộc gọi, đầu tiên khóc lóc phán xử kể tội người sống, cuối cùng đòi vài triệu đến vài trăm triệu cúng dường, mà phải là tiền hiện hành Việt Nam đồng chứ nhất quyết không dùng đô la âm phủ, vì chúng là thứ hàng mã không giá trị, nhà Phật cấm đốt vàng mã.

Đã nhiều lần bố giảng giải, đôi co, cãi cọ nhưng bà vợ mới vẫn kiên nhẫn bảo vệ đức tin mù mịt của mình. Đi đến tận cùng đức tin là thứ không đáng tin, nhưng bà ta vẫn tin, chẳng khác được. Căn nhà bên ấy giờ được yêu cầu bán đi chia đôi để bà ta lấy vốn lên chùa. Bố, bà ta giật về phía mình nhiều năm trước, xé tan một gia đình đang hạnh phúc, phạm giới tà dâm, thế là có tội với mẹ, giờ đã hiểu đạo xin hoàn lại.

Tôi bùng nhùng ngồi nghe diễn biến câu chuyện xảy ra. Có gì đó rất mơ hồ ở đây, hồn hề, báo oán, kiếp trước, kiếp này, các khái niệm tôi chưa kịp học trong trường lớp và đọc qua sách vở. Chỉ có một điều rõ ràng bố muốn về ở với mẹ khi đã chán người vợ mới. Chán với con đường tu tập không biết khi nào thành chính quả mà đã gạt hết gia đình, người thân ra một bên mặc sống chết. Trong các vở kịch phi lí nhất cũng không đến nỗi phi lí thế này.

- Thế mẹ nghĩ thế nào?

Tôi hỏi, dò đoán, ti vi vẫn đang bật, dịch tả lợn châu Phi có diễn biến ngày càng phức tạp khó lường, hết tin lợn chuyển sang tin lộ clip nóng của hoa hậu, vài ông già móm mém đầu hói lên phát biểu văn hóa của giới trẻ ngày càng suy đồi…

- Mẹ cũng chưa kịp nghĩ thế nào cả. Bà vợ mới của bố chúng mày muốn tổ chức một bữa cơm hợp nhất giữa hai gia đình. Mẹ bảo chúng mày bận lắm không về được đâu nhưng bà ấy dứt khoát không nghe.

Tôi nhìn ra ngoài trời, nay vẫn âm ỉ mưa, hơi nước hất ngược vào nhà mù mịt ướt, mấy tán cây bàng, xoài, nhãn trước nhà cam chịu sũng nước. Bầu trời giăng kín một tầng mây dày đặc sẵn sàng ục xuống. Thị trấn rơi vào ngày mưa thường chẳng đi đâu được, cứ ngồi nhà hong hóng ra bên ngoài, gặp người quen, hàng xóm đi qua ới nhau một câu chào, hỏi đi đâu, hay mời vào nhà uống ngụm nước, nói câu chuyện không đầu không cuối, cùng thở dài về nỗi lo lắng của người nào đó trong xóm, bàn luận liệu mưa kéo thêm bao ngày, mấy chục năm nay mùa mưa nào là mùa mưa dài nhất. Xưa, những ngày mưa thế này khi còn đủ bố mẹ tôi hay được ăn mía hấp, ngô luộc. Bố ngồi chỗ vợ tôi đang ngồi kia, mẹ và tôi ngồi bên này, bố ăn ngô già cứng, tôi ăn ngô non mềm, mẹ múc nước lên cho hai bố con ăn xong thì uống. Kỉ niệm là thứ khó mà dứt được khi xa nơi mình vẫn sống. Tôi đã có một gia đình riêng, sắp tới thêm cả con cái, nhưng sao những điều đã có ở thị trấn lúc nhỏ cứ cù cưa níu giữ, như ngó sen dẫu đứt lìa mà tơ vẫn còn vương lại. Thế mới biết, mỗi con người sinh ra chỉ có cho mình một vùng đất tâm tưởng cho riêng bản thân, không hơn. Dẫu sau này có chuyển đến vùng đất khác sinh sống, làm ăn thì vẫn cứ nhớ nơi mình đã lớn lên cùng bố mẹ. Thật khổ, tôi rồi cũng sẽ già, liệu tôi có còn được về thị trấn mà sống những ngày cuối đời. Mẹ không đi với tôi lên thành phố, tôi hiểu. Sau này tôi cũng dứt khoát về thị trấn sống, không biết vợ con có hiểu hay nghĩ tôi lẩm cẩm. Người già thường lẩm cẩm, người già trong thị trấn giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, nhà cửa đất đai được bán chuyển phá cũ xây mới liên tục, chủ nhân của chúng từ đâu đến nhìn người thị trấn xa lạ, những đứa trẻ lớn lên ở thị trấn này cũng đi nơi khác, có ai chịu ở lại đây đâu, như tôi. Có lẽ do thị trấn mưa nhiều quá, cũng có thể chẳng phải do mưa…

*

Bữa cơm đầu tiên giữa hai gia đình là cơm chay.

Có đậu rán, giá đỗ xào, canh khoai sọ nấu rau muống, nộm hoa chuối, chả nem với nhân giá đỗ, mộc nhĩ, nấm hương, cùng lạc rang muối, nước chấm xì dầu không tỏi ớt.

Vợ tôi bảo sao mẹ phải chiều theo bà ta làm gì, đã cướp chồng người ta, giờ dùng chán ốm yếu không chăm sóc đòi trả lại cho rảnh nợ, thế thì tình nghĩa ở đâu, còn bày đặt chay chiếc này nọ, mẹ cứ thịt con gà đặt ở giữa mâm cho con, cho biết thế nào là lễ độ, mẹ hiền quá, vào tay con thì ngay từ đầu cứ gọi là nát như tương rồi, làm gì có chuyện nhịn nhục viết đơn li hôn mà không làm gì cơ chứ, ít nhất phải lột quần áo cho xấu mặt với xóm làng một phen, cái ngữ ấy có cạo đầu bôi vôi thả trôi sông nghìn lần cũng không hết tội, giờ chuyển sang tu thì có mà tu hú. Vừa nói vợ vừa quay sang nhìn tôi đe dọa.

Trong chuyện này tôi thấy vợ mình nói đúng, vợ chồng ở với nhau không vì cái tình thì cũng vì cái nghĩa, nhất là khi cả hai đã về già, cần dựa vào nhau lúc ốm đau, chứ ai lại lỡ bỏ hết thế mà đi. Song tôi cũng chẳng phải bà ta, chưa rõ thực hư thế nào, cứ chờ bữa cơm này xong...

Riêng lần này vợ tôi nói bốp chát thế mà mẹ không có ý giận, bà bảo thôi mọi việc cũng lỡ cỡ cả rồi, các con cứ vui vẻ ăn cơm, bố thì vẫn là bố, còn đứa em trai dù sao cũng máu mủ ruột già, một giọt máu đào hơn ao nước lã phải thương yêu, giúp đỡ em nó, còn mẹ hai dù căm ghét cũng phải tôn trọng, lịch sự vì là vợ bố.

Tôi nháy vợ, vợ tôi “vâng”, tôi cũng “vâng”.

Lúc sau, em cùng cha khác mẹ với tôi đèo mẹ nó sang, nó ngồi nép vào một góc ghế gỗ, vợ tôi rót nước mời bảo uống nó ậm ừ ngậm lời trong miệng chẳng rõ xin hay cám ơn, mắt ơ hờ nhìn lơ đãng ra ngoài chốc chốc lại thở dài. Người vợ mới của bố mặc áo nâu, so với lần mặc áo dài vàng trong đám cưới của tôi đến giờ hình như là hai con người khác nhau. Ở lần gặp trước là rụt rè, ngại ngùng; ở lần gặp này là xác quyết hành động vì đức tin, cắt cho rốt ráo một khúc sống. Nhưng bà ta không vào chuyện ngay, bà ta bảo đợi bố qua chợ mua hoa quả vào ba mặt một lời sẽ nói, nhấn mạnh tiền hoa quả ấy cúng dường còn ích lợi hơn, chứ ăn mấy đồ Trung Quốc ngâm tẩm hóa chất vào người chỉ tổ chết sớm vì ung thư.

- Này, bà ăn nói…

Vợ tôi định chiến đấu tay đôi ngay, tôi kéo mạnh vạt áo, lừ mắt nhìn sang mẹ, nãy giờ mẹ tôi ngồi im không nói gì. Ngoài trời mưa vẫn mưa, hai chiếc áo mưa màu xanh, đỏ vắt trên xe máy dựng trước sân nổi bật lên giữa nền trời xám. Bố tôi vẫn chưa về, mẹ tôi vẫn im lặng. cơm nước đã xong xuôi chỉ chờ dọn lên.

Nhưng bố vẫn chưa về.

Người quan trọng nhất ở câu chuyện đang kể đây chưa về.

Năm cốc nước vối xanh mướt rót ra nguội ngắt từ khi nào. Năm người ngồi xung quanh bàn chờ một người, để quyết định số phận người ấy, để thay đổi quãng đời tiếp theo cho phù hợp. Nhưng mà bố tôi vẫn chưa về, chợ cách nhà tôi chưa đầy trăm mét chứ mấy.

- Hay bố làm sao?

Thằng em tôi sốt ruột đứng lên đầu tiên, tôi đi cùng nó ra chợ tìm, không thấy. Tiếp đến là mẹ và vợ tôi cũng đội áo mưa đi về mấy nhà quen trong xóm, biết đâu bố tôi đang chơi ở đâu đấy. Cuối cùng chỉ còn lại người đàn bà vợ hai bố trong nhà, bà ta đắn đo không biết nên đội mưa đi tìm hay ở lại đọc chú niệm kinh cầu gia hộ độ trì…

*

            Và cho đến bây giờ bố tôi vẫn chưa về.

 

Đ.P

 

. . . . .
Loading the player...