19-05-2020 - 16:29

Từ bông bụt đến lá cờ Tổ quốc

Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-2020). Tạp chí Hồng Lĩnh số 165 giới thiệu tản văn "Từ bông bụt đến lá cờ Tổ quốc" của Nhà văn Phan Trung Hiếu

 

Nếu ai đã từng sống ở các làng quê, chắc không nỡ quên đi trong ký ức của mình loài hoa bông bụt bình dị và quen thuộc, thường được nhiều nhà trồng làm bờ rào. Mùa nắng về, bông bụt  bung nở những bông hoa đỏ thắm, vươn những vòi hoa dài lấm tấm điểm phấn vàng trông thật thích mắt.

Quê tôi xưa nghèo, thiếu đến cả những thứ ngoài cơm ăn, áo mặc. Hoa hoét chỉ là thứ văn hóa phù phiếm, chẳng mấy người quan tâm. Kể cả trong những hội nghị long trọng ở làng xã, đám cưới, thì trên cái lọ độc bình cũng chỉ chưng mấy loài hoa bông bụt, cúc vàng, phượng vỹ, thậm chí chỉ là hoa chuối. Ngày còn bé, mỗi năm đến ngày 8/3 hay 20/11, lũ học trò chúng tôi túa nhau sục sạo quanh đường làng, ngõ xóm để tìm hoa. Xin không cho thì trộm, rồi về góp nhau lại thành một nắm tướng đủ thứ những loài hoa dân dã mà trong đó kiểu gì cũng có vài cành bông bụt đỏ. 

Về cái tên hoa, người thì gọi là dâm bụt, râm bụt, kẻ thì khăng khăng cãi cối cãi chày vì từng nghe ở đâu đó bảo rằng đó là hoa “dâng bụt”. Chẳng biết sai đúng thế nào nhưng bông bụt vẫn cứ được bọn trẻ chúng tôi mang đến tặng cô chỉ vì cũng chẳng còn thứ hoa nào khác. Hồi còn nhỏ, mỗi khi tôi bị nổi mụn nhọt, mẹ tôi hay lấy lá và hoa bông bụt giã nhỏ trộn với muối đắp lên chỗ đang mưng mủ. Thậm chí trong làng có người còn hái lá non đem về kho tép, nấu canh… Bông bụt còn được lũ trẻ chúng tôi dùng trong trò chơi đồ hàng. Những cánh hoa, nhụy hoa khi bóc tách ra có dính nhựa nhơn nhớt được đính lên trán, lên mặt mũi, lỗ tai trông như một lũ tuồng.

Với năm cánh mỏng đỏ thắm, hoa bông bụt đơn nghiêng mình thả xuống trông giống như chiếc lọng che. Hoa bông bụt ít hương nhưng có thể nở quanh năm và thường rộ vào mùa hạ. Bông bụt là loài hoa sớm nở tối tàn. Hình như biết đời mình ngắn ngủi nên hoa cố gắng phô khoe vẻ đẹp rực rỡ, trẻ trung trong nắng hạ.

Hàng năm, vào dịp sinh nhật Bác Hồ cũng là lúc bông bụt đến mùa  khoe sắc. Những bông hoa rực rỡ sắc màu như muốn kể lại cùng chúng ta nghe bao câu chuyện về Người với tình cảm gắn bó yêu thương với một loài thảo mộc mạc, dân dã nhưng thanh cao và mang nhiều ý nghĩa. Hoa bông bụt gắn liền với tuổi thơ, với quê nhà đã theo Bác suốt những năm dài hoạt động cách mạng. Dẫu lúc đang sống ở Khu ATK Định Hóa hay những ngày trở lại Thủ đô Hà Nội, Bác thích trồng cây bông bụt làm bờ rào, trang trí khuôn viên. Bác từng tâm sự cùng các chiến sĩ cảnh vệ:  “Nhìn bông bụt nhớ mẹ cha, nhìn cây đa nhớ làng xóm”. Nơi làm việc của Bác, cây vú sữa được trồng ngay trước cửa sổ bàn làm việc; cây bông bụt trồng ở ven con đường bậc thang ngày ngày Bác vẫn thường đi dạo.

Bác về thăm quê giữa hàng bông bụt đỏ - Ảnh: Tư liệu

Bác thích hoa bông bụt có phải vì đây là loài hoa dân dã, đã gắn bó với  tuổi thơ của Bác nơi miền quê xứ Nghệ? Rất có thể là như vậy, nhưng phải chăng còn có một điều gì khác. Ngắm kỹ, ta thấy hoa bông bụt chỉ có hai màu: cánh đỏ, nhụy vàng, gợi nghĩ tới hình tượng lá cờ Tổ quốc với nền đỏ tượng trưng cho nhiệt huyết cách mạng, biểu tượng cho sự chiến đấu và chiến thắng. Năm cánh sao vàng tượng trưng cho linh hồn dân tộc, đại diện cho các tầng lớp sĩ, nông, công, thương, binh cùng đoàn kết trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Đó cũng là biểu tượng cho một dân tộc máu đỏ, da vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn đời mình để đi tìm con đường độc lập, tự do, com no, áo ấm. Sau này, trong điều kiện đất nước còn trong cảnh chia cắt thì màu đỏ còn gợi nhớ tới hình ảnh hoa đào miền Bắc, màu vàng gợi nhớ hoa mai ở miền Nam.

Lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện lần đầu tiên trong sự kiện Nam Kỳ khởi nghĩa ngày 23 tháng 11 năm 1940. Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hiệu kỳ này lần đầu do Hồ Chí Minh sử dụng tại buổi mở lớp “Con đường giải phóng” huấn luyện cán bộ chuẩn bị thành lập mặt trận đại đoàn kết dân tộc vào cuối năm 1940, và vào ngày “19 tháng 5 năm 1941, lá cờ được treo giữa hang Pắc Bó, khai mạc Hội nghị thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội”. Tháng 8 năm 1945, Quốc dân Đại hội Tân Trào đã quyết nghị lấy cờ đỏ sao vàng 5 cánh làm quốc kỳ của nước Việt Nam độc lập. Ngày 5 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh ký sắc lệnh quyết định lấy cờ đỏ sao vàng làm quốc kỳ Việt Nam, hồn thiêng của non sông luôn che chở cho dân tộc trên mọi bước đường đi tới. 5 cánh sao vàng trên lá cờ Tổ quốc với ý nghĩa tượng trưng cho ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), cho các tầng lớp nhân dân đoàn kết trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, là năm ngón tay trên một bàn tay phải chăng bắt đầu từ một gợi ý mách bảo của thiên nhiên, ẩn chứa trong đó tư tưởng lớn của Đảng, của Bác về đại đoàn kết dân tộc, một chiến lược của cách mạng?

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành di sản vô giá, truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”. Vai trò của Đảng - một thành viên của Mặt trận cùng với khát vọng dân tộc được độc lập, tự do và thống nhất, nhân dân được sống ấm no, hạnh phúc là mẫu số chung, là cái “nhụy hoa”  để quy tụ tất cả mọi người dân Việt Nam vào khối đại đoàn kết dân tộc. Những lúc đất nước gặp lâm nguy, mới thấy hết được sức mạnh to lớn của đoàn kết đã giúp chúng ta vượt qua và chiến thắng.

Nếu như Việt Nam, bông bụt chỉ là hạng “hoa hèn, cỏ dại” thì ở một số nước như Malaysia, Hàn Quốc, bông bụt được coi là quốc hoa. Ngày nay, nhờ việc lai tạo giống, bông bụt có thêm loài hoa kép và mang nhiều kiểu dáng, màu sắc khác nhau. Vậy mà, cứ mỗi lần nhắc đến bông bụt, tôi lại chỉ thấy hiện ra trước mắt mình một loài hoa có năm cánh đỏ, nhụy vàng đang  bừng lên trong nắng hạ như mời gọi ký ức quay về với tuổi thơ xa.

Đầu hạ, 2020

                                                                                              P.T.H

. . . . .
Loading the player...