24-07-2020 - 09:20

TỪ CHỈ MÀU SẮC TRONG THƠ PHẠM HỔ VIẾT CHO THIẾU NHI

Là một người rất yêu trẻ, biết rõ sỏ thích của trẻ thường ưa thích những hình ảnh, sự vật có màu sắc rực rỡ, tươi sáng và ấm áp, nên khi sáng tác cho các em, Phạm Hổ đã sử dụng nhiều các từ biểu thị màu xanh, đỏ, vàng, trắng, hồng; còn các từ biểu thị màu tối, trầm ít được sử dụng. Điều này được thể hiện qua việc tác giả lựa chọn màu sắc của các sự vật để diễn tả. Bài viết của hai tác giả Nguyễn Văn Tịnh và Đặng Thị Yến trên Tạp chí Hồng Lĩnh số 167+168 (tháng 7/2020) có sự phân tích, lý giải sâu sắc và thú vị về vấn đề này

TỪ CHỈ MÀU SẮC TRONG THƠ PHẠM HỔ

VIẾT CHO THIẾU NHI

                                                                                                                 

 

Màu sắc chi phối đến mọi hoạt động trong đời sống, trong đó có thi ca. Nghiên cứu về đặc điểm cảm nhận văn học của trẻ em, nhiều nhà nghiên cứu cũng khẳng định rằng: Đối với truyện, trẻ thường yêu thích những câu chuyện có các tình tiết li kì, hấp dẫn, diễn biến câu chuyện phát triển nhanh; còn đối với thơ, các em thuộc nhanh các bài thơ có hình ảnh, màu sắc rực rỡ. Là một người rất yêu trẻ thơ và dành nhiều tâm huyết để sáng tác cho các em, Phạm Hổ hiểu rất rõ những tâm tư, ước vọng cũng như sở thích và khả năng tiếp nhận văn học cuả trẻ nhỏ. Phạm Hổ đã từng tâm sự: “Sau gần bốn mươi năm viết cho các em, tôi tự nhận thấy trong lứa tuổi bạn đọc, tôi yêu và thích viết nhất cho lứa tuổi nhi đồng”. Chính vì rất yêu trẻ và hiểu trẻ, nên khi sáng tác cho các em, Phạm Hổ thường sử dụng các từ chỉ màu sắc rực rỡ, sáng ấm. Đó là những màu sắc mà trẻ em yêu thích (“Mũ đỏ cho bé/ Khăn đen cho bà”- Đôi que đan).  Để tìm hiểu cách lựa chọn và sử dụng các từ chỉ màu sắc của Phạm Hổ trong các bài thơ viết cho các em, chúng tôi đã tiến hành khảo sát qua 111 bài thơ, kết quả cho thấy các màu sắc xuất hiện trong thơ Phạm Hổ viết cho thiếu nhi chỉ gồm 8 loại màu sắc: xanh, đỏ, vàng, trắng, hồng, đen, tím, nâu. Và tổng số lần các từ chỉ màu sắc được sự dụng là 96 lần. Trong đó,  những từ biểu thị màu sắc tươi sáng, ấm áp (xanh, đỏ, vàng, trắng, hồng) được sử dụng nhiều hơn các từ chỉ màu sắc trầm và tối (đen, tím, nâu). Đặc biệt, các từ biểu thị màu xanh, màu đỏ những từ được sử dụng nhiều hơn cả. Điều đáng nói là ở chỗ cách lựa chọn các từ chỉ màu sắc của Phạm Hổ vào việc sáng tác thơ cho trẻ không phải được sử dụng một cách ngẫu nhiên mà là có sự cân nhắc, lựa chọn thấu đáo của tác giả. Mặc dù, Phạm Hổ không trực tiếp phát biểu về dụng ý lựa chọn các từ biểu thị màu sắc trong sáng tác thơ cho thiếu nhi, nhưng dựa trên ngữ liệu mà chúng tôi khảo sát được, dụng ý đó được bộc lộ một cách rất rõ:

Thứ nhất, Phạm Hổ dùng nhiều các từ chỉ những màu sắc mà trẻ thơ yêu thích.

Là một người rất yêu trẻ, biết rõ sỏ thích của trẻ thường ưa thích những hình ảnh, sự vật có màu sắc rực rỡ, tươi sáng và ấm áp, nên khi sáng tác cho các em, Phạm Hổ đã sử dụng nhiều các từ biểu thị màu xanh, đỏ, vàng, trắng, hồng; còn các từ biểu thị màu tối, trầm ít được sử dụng. Điều này được thể hiện qua việc tác giả lựa chọn màu sắc của các sự vật để diễn tả. Cụ thể, nếu một sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan có nhiều màu sắc thì màu sắc mà Phạm Hổ lựa chọn để đưa vào thơ thường là màu xanh, màu đỏ:

Màu của các hòn bi trong thực tế rất phong phú: màu đen , màu vàng, màu trắng, màu xanh, màu đỏ, màu nâu,…nhưng Phạm Hổ chỉ lựa chọn màu xanh, màu đỏ để diễn tả:

“Suốt đời tôi chỉ mơ

Được làm cho các em

Những bài thơ nho nhỏ

Như những hòn bi xanh, đỏ các em chơi.”

                                      (Những bài thơ nho nhỏ)

Hay trong hiện thực cuộc sống, áo, mũ, giày, dép, …có rất nhiều màu sắc, Phạm Hổ cũng chỉ chọn màu xanh, màu đỏ để giới thiệu với các em:

- “…Dù dép to, dép nhỏ

Dù dép đỏ, dép xanh

Miễn các em làm đúng

Lời Bác Hồ Chí Minh!”

                     (Đôi dép thần kỳ)

  • “…Quay lượn rất đẹp

Như người trượt băng

đỏ, áo xanh

Quay theo điệu nhạc”

                  (Con quay )

          Và ngay cả việc lựa chọn màu sắc để miêu tả về cỏ cây, hoa lá nói chung, Phạm Hổ cũng chọn màu xanh, màu đỏ để biểu thị:

  • “Trồng hoa, trồng cỏ

Xanh, đỏ quanh nhà” (Năm mãnh gỗ)

...

Còn những màu sắc khác, như: trắng, vàng, đen, tím, nâu, Phạm Hổ thường sử dụng khi cần để biểu thị màu sắc đặc trưng, điển hình, mang tính tất yếu của sự vật, như màu của giấy, của muối, của gạo phải là màu trắng (“Nhờ có nước và lửa/ Gạo trắng thành cơm thơm”- Cơm; “Biển kia xanh biếc/ Muối này trắng tinh” - Biển và muối), màu của vỏ quả trứng cũng là màu trắng (“Tròn nhẵn trắng hồng/ Quả gì thế mẹ” - Gà con và quả trứng), màu điển hình của cặp mắt đẹp thường là màu đen (“Lông vàng mát dịu/ Mắt đen sáng ngời” - Đàn gà con; “Tôi yêu em tôi/ Mắt nó đen ngời/ trong veo như nước” -Tôi yêu em tôi), màu của quả thị lúc chín sẽ là màu vàng (“Lá xanh, quả xanh/ Lá xanh quả vàng” - Thị); màu của mía thường là màu vàng hoặc là màu tím:

“Mía vàng, mía tím

Cháu sờ sướng tay

Xước mía ăn liền

Cái bã trắng xốp”  

                    (Mía)

...

 Thứ hai, Phạm Hổ sử dụng từ chỉ màu sắc để thể hiện cách nhìn và quan niệm của mình về thiên nhiên, về con người và cuộc đời.

 Màu sắc được biểu đạt theo quan niệm là màu của tâm tưởng, của cảm xúc, của hoài vọng, ... Cách sử dụng màu sắc kiểu này thường thể hiện rõ cái nhìn của nhà thơ về thiên nhiên, về con người và cuộc đời.

Màu xanh trong thơ Phạm hổ viết cho thiếu nhi vừa để tả thực, vừa dụng ý ẩn dụ liên tưởng. Đó là màu biểu trưng cho sự  non trẻ, tốt tươi, là màu của sự sống, của niềm hi vọng, hứa hẹn, của sự bình yên,...

Màu xanh là màu tốt tươi của rau, cỏ bốn mùa, là màu của sức sống đang sinh sôi nảy nở:

          “ Bắp cải xanh

Xanh mát mắt

Lá cải sắp                                                                                                       

Sắp vòng tròn

Búp cải non

Nằm ngủ giữa”

              (Bắp cải xanh)

Màu xanh còn được dùng để biểu trưng cho sự giàu có của thiên nhiên, sự no đủ cuộc sống: “Biển kia xanh biếc/ Muối này trắng tinh…/ Phơi nước thành hạt/ Gạn trắng từ xanh” (Biển và muối), màu xanh gợi niềm hi vọng về một mùa bội thu: “Kìa bao ngọn đồi / Sắn khoai xanh mướt” (Thả diều),…; màu xanh cũng là màu gợi sự bình yên và niềm hi vọng: “Chiều xanh bát ngát/ Gửi diều lên mây” (Thả diều), “Đố bạn biết/ Bông hoa gì/ Phút giờ nào cũng có thể hiện lên…/ Đó là nụ cười/ Nuôi màu xanh trái đất xanh tươi” (Bông hoa gì, bạn hỡi ?), “Những con sông xanh, hồng/ Uốn quanh trăm dải lụa” (Yêu tổ quốc Việt Nam),…

Qua bảng thống kê về tần số sử dụng các từ biểu thị màu sắc, chúng ta thấy màu xanh là màu Phạm Hổ sử dụng nhiều nhất trong thơ viết cho các. Bởi còn một lẽ, Phạm Hổ luôn quan niệm màu xanh là màu cần cho tâm hồn bình yên của trẻ thơ, và là màu sắc tượng trưng cho sức sống của các em, của sự khởi đầu. Quan niệm này được hé mở qua bài thơ “Sung”:

“Sung già nhất vườn

Lá như bỏng nổ

Chi chít đầy cành

Quả xanh, quả đỏ

Quả xanh, trẻ nhỏ

Quả đỏ, bà già.”

Ngoài màu xanh, màu đỏ cũng là màu được Phạm Hổ sử dụng nhiều. Và điều đặc biệt là Phạm Hổ thường để cho màu xanh, màu đỏ xuất hiện liền nhau trong một dòng thơ. Cách sử dụng này làm cho các màu sắc tương phản nhau, tôn nhau lên cùng nổi bật, tạo ra một sự lan tỏa mở rộng không gian sắc màu. Đó cũng là một trong những biểu hiện về nghệ thuật  dùng từ biểu thị màu sắc của Phạm Hổ.

Trong thơ Phạm Hổ viết cho thiếu nhi, nếu màu xanh được dùng để biểu thị cho sự khởi đầu, cho niềm hi vọng vào sức sống mới đang hình thành và vươn lên, thì màu đỏ, ngoài việc biểu thị màu sắc bên ngoài của sự vật, nó còn được dùng để biểu thị về sự “đơm hoa, kết trái” của một quá trình rèn luyện, trưởng thành và phát triển:

Các em, lúc còn bé, mọi biểu hiện còn non nớt, chưa chín muồi như những “quả xanh”, nhưng theo năm tháng của cuộc sống, các em sẽ trưởng thành, chín chắn như những “quả đỏ”:

“Chi chít đầy cành

Quả xanh, quả đỏ

Quả xanh, trẻ nhỏ

Quả đỏ, bà già.”

                  (Sung)

Viên gạch kia có màu “đỏ thắm” là nhờ nó đã trải qua sự thiêu đốt, nung nấu của ngọn lửa: “Viên gạch đỏ thắm/ Sáu mặt rõ ràng”(Từ không đến mười).

Sau màu xanh và màu đỏ, màu vàng cũng là màu xuất hiện khá nhiều trong thơ Phạm Hổ viết cho các em. Màu vàng là màu có độ sáng lớn, chói chang, dễ gợi niềm vui trong lòng người. Vì vậy, màu vàng đi vào thơ văn thường biểu thị cho niềm vui, cho sự ấm no, viên mãn. Trong thơ văn, ta thường bắt gặp hình ảnh: “lúa vàng”, “thóc vàng”, “ngô vàng”, “hạt vàng’,…. Trong mạch nguồn cảm xúc, Phạm Hổ cũng đã sử dụng màu vàng để biểu thị niềm vui sướng hân hoan, sự bội thu,…Đó là niềm vui bất tận của mỗi người dân Việt Nam in đậm trong màu vàng chiến thắng của sao năm cánh ở trên lá cờ tổ quốc (“Cờ ta sáng rực/ Năm cánh sao vàng” - Từ không đến mười), là niềm vui được khơi gợi từ màu vàng của ngọn lửa (Đêm mất điện, đèn lên bàn đợi thắp/ Rồi xua ngay bóng tối cho người/ Ngọn lửa vàng xao động mãi niềm vui” – Cây đèn dầu). Màu vàng trong thơ Phạm Hổ còn là hình ảnh về một sự bội thu (“Khế chín đầy cây/ Vàng treo lóng lánh” - Khế), là sự no đủ, viên mãn từ màu vàng của những chú bò béo mẫm: “Tre cho bóng dỡn/ Trên lưng bò vàng” (Tre),…

          Màu trắng thường được dùng để biểu thị cho sự tinh khiết, trong trắng, nhưng trong thơ Phạm Hổ viết cho trẻ thơ nó chỉ được dùng để miêu tả thế giới màu sắc bên ngoài của sự vật. Đó là màu trắng của muối: “Biển kia xanh biếc/ Muối này trắng tinh” (Biển và muối), là màu của giấy: “Bé trên bờ với xuống/ Thả con thuyền trắng tinh” (Thuyền giấy), là màu của muối: “Biển kia xanh biếc/ Muối này trắng tinh”(Biển và muối), là màu của những hạt gạo: “Nhờ có nước và lửa/ Gạo trắng thành cơm thơm” (Cơm), là màu lông của các cô gà, cô cò :“Mấy cô gà trắng, mấy chú gà nâu” (Gà ấp); “Em vượt con đê/ Theo đàn cò trắng” (Chú vịt bông),…

          Màu hồng xuất hiện trong các bài thơ viết cho trẻ em của Phạm Hổ tổng cộng là 9 lần. Trong đó, 2 lần được dùng để miêu tả màu sắc bên ngoài của sự vật. Đó là màu của ruột ổi đào: “Đào ruột hồng/ Mỡ: ruột trắng” (Ổi); là màu đuôi của các chú cá: “Một đàn cá nhỏ/ Đuôi xanh, đuôi hồng” (Rong và cá), 7 lần còn lại, màu hồng được dùng để biểu thị về sự tươi đẹp, về sức sống, sự hồi sinh của con người và vạn vật: màu hồng của quả trứng vừa biểu thị một vẻ đẹp lung linh, lại vừa diễn tả một sức sống tiềm ẩn, sinh sôi nảy nở của các chú gà con đang nằm trong đó: “Một quả trứng hồng/ Ổ rơm sáng rực” (Gà đẻ); “Tròn nhẵn, trắng hồng/ Quả gì thế mẹ?”(Gà con và quả trứng),  là màu hồng của những ngón tay tràn đầy sức sống: “Mười ngón tay hồng/ Làm nên tất cả”( Từ không đến mười), là màu hồng tỏa ra từ vẻ đẹp sáng ngời của chiếc miệng xinh tươi: “Miệng nó tươi hồng/ Nói như khướu hót” (Tôi yêu em tôi), là màu của vẻ đẹp nõn nà ánh lên từ những cánh hoa sen: “Trăm nghìn/ Cửa lụa/ Xinh tươi/ Sáng hồng” (Sen nở), là màu của dòng sông thơ mộng, chứa đầy sự sống: “Những con sông xanh, hồng/ Uốn quanh trăm dải lụa” (Yêu tổ quốc Việt Nam), là màu tỏa ra từ vẻ đẹp của chiếc roi: “Trên cây mới xuống/ Sáng màu trời trong/ Roi này: ngọc hồng/ Roi này: ngọc trắng” (Roi).

          Màu đen, màu tím, màu nâu là những gam màu trầm, lạnh. Ngoài tính chất biểu thị màu sắc của sự vật, những màu sắc này thường gợi điều u buồn, trầm lắng. Thế nhưng khi chúng được sử dụng trong thơ Phạm Hổ viết cho trẻ em không gợi về điều đó. Bởi lẽ, nhà thơ chỉ muốn các em được nhìn thấy, được chiêm ngưỡng những gì tươi đẹp, rực rỡ của thế giới xung quanh. Vì vậy, chúng xuất hiện trong các bài thơ viết cho các em đều được dùng để miêu tả màu sắc bên ngoài của sự vật. Màu đen là sắc màu lung linh của những cặp mắt: “ Mắt đen sáng ngời/ Ơi, chú gà ơi !/ Ta yêu chú lắm” (Đàn gà con), “Tôi yêu em tôi/ Mắt nó đen ngời” (Tôi yêu em tôi), là màu  mà người lớn yêu thích: “ Mũ đỏ cho bé/ Khăn đen cho bà” (Đôi que đan),…Màu tím là màu sắc của hoa cúc tím, là màu của thân mía bé thích ăn: “Đào đỏ, mai vàng/ Bìm xanh, cúc tím” (Đất và hoa), “Mía vàng, mía tím/ Cháu sờ sướng tay” (Mía). Màu nâu chỉ xuất hiện 1 lần để miêu tả màu lông của các chú gà đáng yêu: “Mấy cô gà trắng/ Mấy chú gà nâu” (Gà ấp).

          Như vậy, qua các từ chỉ màu sắc xuất hiện trong thơ Phạm Hổ viết cho trẻ thơ, chúng ta càng hiểu thêm tình cảm, sự yêu thương, gắn bó mà tác giả đã dành cho các em. Bằng tình yêu thương gắn bó với trẻ thơ, biết các em yêu thích những sắc màu, hình ảnh rực rỡ, nên khi làm thơ cho các em, Phạm Hổ chủ yếu đã dùng nhiều từ chỉ màu sắc rực rỡ, sáng ấm, dịu êm để miêu tả thế giới thiên nhiên lung linh và huyền diệu. Đó là màu xanh êm dịu, màu đỏ sáng ngời, màu vàng rực rỡ, màu trắng tinh khôi, màu hồng nồng ấm. Đặc biệt, màu xanh, màu đỏ là những gam màu Phạm Hổ dùng nhiều nhất. Hơn thế, tác giả luôn để hai màu sắc này xuất hiện trong một dòng thơ để chúng tôn sắc màu của nhau lên, tạo ra một sự lan tỏa mở rộng không gian sắc màu. Điều đó cũng cho ta thấy tấm lòng nhân hậu, cái nhìn trìu mến, tin yêu, lạc quan của nhà thơ trước cuộc đời. Bằng cách cho các em được nhìn thấy những hình ảnh đẹp đẽ nhất, lung linh, rực rỡ nhất của thế giới xung quanh, nhà thơ đã truyền cho các em niền tin yêu, lạc quan đối với cuộc sống. Qua đó nhà thơ muốn mang đến cho các em những bài học về tình yêu thương đối với hoa lá, cỏ cây và muôn loài.

                                        

 Nguyễn Văn Tịnh - Đặng Thị Yến

 

. . . . .
Loading the player...